Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ: Tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới

09:19, 10/09/2018

Thời gian gần đây, Đắk Lắk đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Nhờ đó hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - tiêu dùng.

Theo số liệu của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8 tháng của năm 2018 trên thị trường tỉnh đạt 45.818 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 67,3% kế hoạch năm. Có được kết quả đó không thể không kể đến sự đóng góp đáng kể của hạ tầng thương mại - dịch vụ, đã thúc đẩy hoạt động tiêu dùng phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn. 

Được biết, toàn tỉnh hiện có 148 chợ, 7 siêu thị và 2 trung tâm thương mại. Thời gian qua, hệ thống phân phối hàng hóa của tỉnh không ngừng được quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới. Điều này đã giúp người tiêu dùng trong tỉnh được sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, tiệm cận hơn với các dịch vụ tiện ích và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Nhà đầu tư và lãnh đạo chính quyền địa phương tham quan, tìm hiểu hoạt động của Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột.
Nhà đầu tư và lãnh đạo chính quyền địa phương tham quan, tìm hiểu hoạt động của Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường có sức mua tốt, cộng với nhiều ưu đãi đầu tư nhất định về cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư đã khiến nhiều doanh nghiệp mạnh dạn chọn làm địa bàn trọng điểm của khu vực Tây Nguyên trong chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Nhờ đó, trong khi nền kinh tế nói chung vẫn chưa hết khó khăn, việc thu hút đầu tư ở nhiều địa phương khác có dấu hiệu chững lại thì thương mại - dịch vụ của tỉnh vẫn đang là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển. Nhiều tập đoàn lớn đang tiếp tục rót vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại địa phương.

Cùng với việc rất coi trọng những nhà đầu tư thực sự có năng lực và có hướng tạo đà để phát triển nhằm khai thác tối đa lĩnh vực mà địa phương đang có nhiều lợi thế, UBND tỉnh tiếp tục rà soát đối với những dự án đã đăng ký đầu tư để hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong những năm qua, Đắk Lắk đã gặt hái được những thành công nhất định khi thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn thuộc lĩnh vực thương mại. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút được 114 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.735 tỷ đồng. Đặc biệt, một số  dự án lớn đang triển khai thủ tục đầu tư như: Khu Trung tâm Thương mại dịch vụ giải trí của Công ty Cổ phần bất động sản Việt Nhật (Big C) có vốn đầu tư khoảng 292 tỷ đồng, dự kiến đầu tư xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2019; Khu Du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh, vốn đầu tư đăng ký 2.792,4 tỷ đồng; Sân golf hồ Ea Kao với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 tỷ đồng…

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, những “ông lớn” có tên tuổi như: Vingroup, Co.opmart, Mega market, Nguyễn Kim… đã chọn Đắk Lắk để triển khai các dự án thì hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô đầu tư. Tính đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã “rót” tổng số vốn đầu tư khoảng 520 tỷ đồng để đầu tư trung tâm mua sắm ở lĩnh vực điện tử, điện lạnh, gia dụng, tin học, giải trí, viễn thông. Tương tự, dự kiến trong năm 2019, tập đoàn Vingroup cũng sẽ mở hàng loạt cửa hàng tiện ích VinMart+ tại TP. Buôn Ma Thuột, giúp người dân địa phương có nhiều lựa chọn hơn trong mua sắm…

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tỉnh ta cũng đang tiếp tục thực hiện kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ và tăng cường hướng dẫn thủ tục đầu tư cho một số doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk. Để thu hút các nguồn lực đầu tư, tỉnh cũng đã xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh; tăng cường, tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư… nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.