Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp
Thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện biên giới Ea Súp đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Hiện có một số xã đã đạt và hoàn thành tốt các tiêu chí: công tác lập quy hoạch, thông tin và truyền thông, y tế, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội…
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Dù địa phương rất nỗ lực, nhưng hầu hết các xã vẫn “trắng” các tiêu chí quan trọng như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường, nhà ở dân cư, giáo dục…
Với tiêu chí giao thông, cả 9/9 xã đều chưa đạt. Toàn huyện có 827 km đường giao thông, trong đó, đường quốc lộ nhựa hóa, bê tông hóa mới chỉ có 25/95 km (đạt 24,21%); đường tỉnh lộ nhựa hóa đạt 100%, tuy nhiên do được đầu tư từ năm 2000 nên đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng; đường huyện nhựa hóa, bê tông hóa đạt 75%; đường xã, liên xã nhựa hóa, bê tông hóa chỉ đạt 28,8%; đường thôn, buôn chỉ đạt 19,87%; đường ngõ xóm, thôn, buôn chưa được bê tông, nhựa hóa. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Giao thông nông thôn là trở ngại lớn đối với việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea Súp. |
Đơn cử, vốn là tuyến giao thông huyết mạch, nhưng tuyến đường liên xã nối từ trung tâm huyện Ea Súp qua xã Ea Lê vào xã Cư Kbang luôn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Nhiều năm nay, mặt đường bị biến dạng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, mùa khô bụi mù mịt, còn mùa mưa nước đọng thành vũng lớn, trơn trượt, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cô giáo Hoàng Thị Lan (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong), người có nhiều năm công tác tại địa phương chia sẻ, đường liên xã càng ngày càng hư hỏng trầm trọng hơn, nhất là vào mùa mưa nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Khổ nhất vẫn là nông dân, do đường sá trắc trở nên thường xuyên bị tiểu thương ép giá, nông sản rất khó tiêu thụ…
Tính đến tháng 9 năm 2018, 9/9 xã của huyện đạt 79/171 tiêu chí, trong đó, đạt nhiều nhất là xã điểm Ea Bung (13/19 tiêu chí); một số xã chỉ mới đạt được từ 5 - 7 tiêu chí như: Ia Lốp, Cư Kbang, Ia R’vê. |
Tương tự, cơ cở vật chất văn hóa cũng là tiêu chí mà đến nay chưa có xã nào đạt được, đây được đánh giá là tiêu chí khó và cần nhiều kinh phí để thực hiện. Cũng nằm trong tiêu chí “trắng” của đa số các xã, dù đã rất nỗ lực, nhưng cơ sở vật chất trường học luôn là điều khiến địa phương trăn trở. Toàn huyện hiện còn khá nhiều phòng học tạm, phòng học nhờ, đặc biệt là với ngành mầm non. Cùng với đó, việc thiếu nhà hiệu bộ; thiếu các phòng: bộ môn, thí nghiệm thực hành, thư viện, y tế; rất nhiều trường học các cấp chưa có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác dạy và học.
Với tiêu chí môi trường, dù UBND huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động mạnh mẽ phong trào xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp ở từng hộ và cộng đồng dân cư; hướng dẫn xử lý rác tại hộ gia đình, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tỷ lệ xã có dịch vụ xử lý, chế biến rác thải còn rất thấp. Bên cạnh đó, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi tại các tuyến đường, kênh mương, rãnh thoát nước vẫn khá phổ biến; số cơ sở sản xuất kinh doanh có cam kết bảo vệ môi trường đạt thấp …
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, huyện đã rất nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do diện tích rộng, dân cư ít, đời sống người dân còn thấp, nguồn lực xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp. Việc triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong điều kiện kinh tế của huyện còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên kết quả huy động nguồn lực người dân tham gia còn thấp…
Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2018, huyện Ea Súp sẽ tiếp tục giữ vững những tiêu chí đã đạt, nâng số tiêu chí đạt được của mỗi xã lên bình quân 9,45 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm. Để đạt mục tiêu, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, nhà tài trợ; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; tập trung chỉ đạo hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp để nông thôn mới phát triển bền vững.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc