Ấm no trên quê hương mới
Như bao người con xa xứ khác, gia đình ông Hồ Văn Điều (còn gọi là Ba Điều) đến vùng kinh tế mới với ước mong đổi đời. Quần quật làm đủ thứ nghề từ phụ hồ, thợ mộc đến nương rẫy để kiếm sống, nhưng cuộc sống gia đình ông nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhận thấy vùng đất nơi sinh sống bị trũng, lại gần suối nước, năm 2013, ông quyết định đào ao thả cá với tổng diện tích khoảng 5 sào, đồng thời lấy đất san mặt bằng rồi trồng thử nghiệm 50 gốc dừa xiêm lùn. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sau nhiều năm cật lực chăm bón, cây trồng bắt đầu ra quả. Như có động lực, ông tiếp tục mở rộng diện tích dừa xiêm lên tới 500 cây; đồng thời trồng thêm 200 gốc mít Thái; hàng trăm cây ăn quả khác như: mãng cầu, na, bưởi da xanh, hồng xiêm, thanh long…
Mô hình trồng dừa xiêm lùn của gia đình ông Ba Điều. |
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê cho biết, trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhưng trồng dừa xiêm lùn thì đến nay chỉ có một. Với sự nỗ lực của gia đình ông Điều, chắc chắn vườn cây trái ấy sẽ còn phát triển, mang lại thu nhập cao cho người trồng. |
Dưới bàn tay cần mẫn của ông, hiện nay các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, trong số đó có nhiều cây đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nhìn đôi tay chai sần của ông Ba Điều khi nâng niu từng cây trái trong vườn mới phần nào hiểu được lão nông này đã dày công, tâm huyết với chúng như thế nào. Từ đặc sản “của nhà làm được”, gia đình ông mở thêm quán nhậu, kết hợp bán cà phê, vừa đủ phục vụ tại chỗ cho khách, mà không phải lo tìm đầu ra. Chỉ riêng dừa xiêm, dù mới những mùa đầu cho trái nhưng mỗi ngày gia đình đã bán được khoảng 300 nghìn đồng. Từ chỗ chật vật kiếm sống, là hộ nghèo nhiều năm liền, nay gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có thu nhập bình quân hằng năm khoảng 200 triệu đồng.
Giống mít Thái của gia đình ông Ba Điều đã bắt đầu cho trái ngọt. |
Ông cho biết, gia đình có được như ngày hôm nay nhờ sự giúp đỡ rất lớn của nhiều người, trong số đó phải kể đến bộ đội Đồn Biên phòng Ia R’vê. Với một người lính từng chạm vào lằn ranh sinh tử trong thời chiến như ông, thì việc được những người lính trẻ thời bình giúp đỡ chẳng còn hạnh phúc nào hơn. Ông cười tươi khi nhắc đến chiến sĩ quân hàm xanh: “Ngoài hướng dẫn gia đình một số mô hình phát triển kinh tế, các chú ấy còn thường xuyên động viên, nhiệt tình giúp đỡ gia đình ngày công lao động. Đây như một động lực để gia đình vượt khó trên quê hương mới, quyết tâm phát triển kinh tế”.
Không chỉ gương mẫu lập nghiệp trên quê hương mới, ông Hồ Văn Điều còn là một Chi hội trưởng mẫu mực, tận tâm với đồng đội của Chi hội Cựu chiến binh thôn 3. Tiên phong đóng góp quỹ, đồng thời vận động hội viên “lá lành đùm lá rách”, ông Ba Điều đã cùng đồng đội của mình xây dựng được nguồn quỹ lên tới 25 triệu đồng. Ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Ia R’vê thì số tiền nói trên không hề nhỏ chút nào. Nguồn quỹ này được chi hội dùng để thăm hỏi, hỗ trợ đồng đội ốm đau; cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc