Người trồng cà phê vất vả vào mùa thu hoạch niên vụ mới
Năm nay, người trồng cà phê trong tỉnh bước vào thu hoạch niên vụ mới sớm hơn mọi năm với không ít khó khăn.
Trước hết là về giá. Niên vụ 2017-2018 giá cà phê luôn có xu hướng trượt giá xuống mốc trên, dưới 35 triệu đồng/tấn (niên vụ 2016-2017 giá bình quân trên 44 triệu đồng/tấn). Mặc dù niên vụ 2017-2018 người dân không tốn nhiều công, chi phí tưới cà phê, nhưng các khoản chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đều tăng từ 5-10% so với những năm trước. Ngoài ra, tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá nhân công đã ở mức 170.000-180.000 đồng/ngày, tăng 20.000-30.000 đồng/ngày so với cùng kỳ năm 2017.
Một điểm sấy cà phê ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk. |
Anh Nguyễn Văn Bình (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có 2 ha cà phê kinh doanh cho biết, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên trái cà phê đều, đẹp, năng suất ước tăng khoảng 15% (năm 2017 đạt 3 tấn nhân/ha). Tuy nhiên, chi phí "đầu vào" đều tăng nên toàn bộ sân phơi, nhà kho, máy sơ chế đã được gia đình chuẩn bị từ cuối tháng 9 để đến đầu tháng 10, khi cà phê chín được 30% thì thu bói và tự chế biến, bảo quản từng đợt theo hình thức "cuốn chiếu". Với cách thu hái này, gia đình có thể tận dụng nhân công sẵn có, vừa có thể tiết giảm chi phí đầu vào cũng như bảo đảm chất lượng cà phê nhân cuối vụ. Tuy nhiên, với cách thu hoạch này, thời gian thu hái kéo dài, việc bảo vệ cà phê trên vườn khó khăn hơn.
Còn với gia đình ông Nguyễn Xuân Lâm (xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắc) lại đang cân nhắc giải pháp bán cà phê quả tươi. Theo lý giải của ông Lâm, 1 ha cà phê của gia đình ông cần khoảng 65 công thu hái, tương đương hơn 11 triệu đồng, cộng với tiền công phơi sấy, chế biến thì chi phí sẽ đội lên khá cao nếu muốn tích trữ toàn bộ cà phê thu được. Do đó, ông đang chờ cà phê chín đồng loạt để thuê người thu hoạch và sẽ bán một phần dưới dạng quả tươi nhằm chủ động tài chính cho sinh hoạt, chi trả nhân công thu hái và đầu tư, chăm sóc vườn cây hậu mùa thu hoạch.
Tổ tuần tra bảo vệ trật tự mùa thu hoạch cà phê tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc). |
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có khoảng 204.800 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là gần 187.300 ha. Thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi khi lằn ranh giữa các mùa có sự phân hóa rõ rệt, không xuất hiện hiện tượng mưa trái mùa như những năm trước nên cà phê sinh trưởng tốt, năng suất bình quân ước đạt khoảng 2,45 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay lượng mưa trên địa bàn tỉnh giảm, một số vùng gần như không có mưa hoặc mưa ít như Buôn Đôn, Ea H’leo, M’Đrắk, Ea Kar… khiến cây cà phê có dấu hiệu bị héo rũ do thiếu nước.
Ông Trương Văn Cao, Phụ trách Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phân tích, xét dưới góc độ hạn hán thì mức độ thiếu nước của cây cà phê hiện vẫn đang trong giai đoạn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là đợt thiếu nước đầu tiên của niên vụ mới, cây cà phê mới chỉ bước vào đầu vụ thu hái chính, một số vườn vẫn đang hái bói do tỷ lệ chín cây còn thấp, gây không ít khó khăn cho bà con. Bởi vì thời tiết nắng nóng, không có mưa trên dưới 30 ngày, cây cà phê sẽ bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa nên nguy cơ cà phê nở hoa khi chưa thu hoạch quả xong tăng cao, đe dọa đến tiến độ thu hoạch, chất lượng cà phê niên vụ 2018-2019, cũng như ảnh hưởng đến mùa vụ tiếp theo 2019-2020. Vì vậy, phòng khuyến cáo bà con nên tưới nước giữ ẩm vườn cây với một lượng nhất định theo phương pháp tưới tiết kiệm nhằm giúp cây giữ được nhịp độ sinh trưởng bình thường, hạn chế tối đa cà phê nở hoa bất thường.
Có thể thấy, khó khăn đang "bủa vây" người sản xuất cà phê khi giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, nay lại phải đối mặt với hiện tượng “hạn sớm” khiến mùa thu hoạch trở nên vất vả hơn các niên vụ trước.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc