Multimedia Đọc Báo in

Những vườn cà phê tái canh hiệu quả ở Ea Drông

07:48, 30/11/2018

Những vườn cà phê già cỗi được tái canh theo cách cuốn chiếu, đúng kỹ thuật đã mang lại hiệu quả cho người dân ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).

Xã Ea Drông có diện tích cà phê hơn 2.430 ha, trong đó cà phê kinh doanh là 2.109 ha. Tuy nhiên, một phần lớn trong số này đã trồng trên 20-30 năm, già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí có vườn thu hái quả bán không đủ bù chi. Trước đòi hỏi cần nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói riêng, nhiều hộ đã thực hiện tái canh cây cà phê.

Người dân buôn Klat A, xã Ea Drông chia sẻ kinh nghiệm tái canh cà phê.
Người dân buôn Klat A, xã Ea Drông chia sẻ kinh nghiệm tái canh cà phê.

Vườn cà phê của gia đình ông Y Guôl Kriêng (buôn Klat A) có diện tích 1,5 ha với tuổi đời hơn 20 năm. Hiện nay cây vẫn xanh tốt, cho trái sum suê; đó là nhờ ông đã thực hiện việc tái canh theo phương pháp cuốn chiếu, vừa không mất đi thu nhập của gia đình, lại đảm bảo đúng quy trình. Ông Y Guôl bắt đầu tái canh vào năm 2014 với số lượng 350 cây bằng giống TR4 mua tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Sau 2 năm thấy có hiệu quả và cà phê bắt đầu cho thu bói, ông tiếp tục tái canh 400 cây nữa. Ở diện tích đất trống còn lại, gia đình ông trồng thêm tiêu và bơ booth… Nhìn vườn cà phê xanh mướt, ông Y Guôl cho hay: “Vườn cà phê cũ của gia đình tôi trồng từ năm 1993, sau thời gian thu hoạch đã trở nên già cỗi, năng suất rất thấp; có năm mất mùa, gia đình thu không đủ chi. Từ ngày cây cà phê được tái canh và chăm sóc đúng kỹ thuật đã cho thu nhập ổn định hơn, nhờ vậy tôi cũng đã tích lũy được kinh nghiệm và chia sẻ với bà con trong buôn để tái canh có hiệu quả hơn…”.

Xã Ea Drông đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bà con tái canh hiệu quả như thường xuyên mở các hội thảo giới thiệu ưu điểm của các giống cà phê, tập huấn các phương pháp, kỹ thuật tái canh, xen canh… góp phần cho việc phát triển cà phê bền vững.

Tương tự như ông Y Guôl, vườn cà phê 1,5 ha của anh Y Châu Niê (buôn Sinh B) cũng đã tái canh được 6 - 10 năm theo phương pháp cuốn chiếu (năm 2008 tái canh 5 sào, năm 2012 tái canh số còn lại), đến nay đã cho trái ổn định, năng suất khoảng 4 tấn/ha. Theo anh Y Châu, cây cà phê vối TR4 sinh trưởng và phát triển nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít bị dịch bệnh, quả lại to đều, bóng đẹp hơn giống cà phê cũ. Thế nên anh cũng như hầu hết những người dân trong buôn khi tái canh đều chọn giống này. Ngoài việc chọn giống tốt thì kỹ thuật tái canh cũng phải được chú trọng, nhất là khâu nhận biết và xử lý bệnh. Bệnh dễ mắc phải là bệnh tuyến trùng hại rễ do tiếp tục trồng cà phê trên đất đã canh tác cà phê nhiều năm. Trước khi tái canh cần làm “sạch đất” bằng cách cho đất nghỉ ngơi đúng thời gian, dồn hết gốc cà phê cũ đốt một lần… nhằm loại bỏ những vi khuẩn không có lợi cho cây. Cũng như những hộ khác, anh Y Châu trồng thêm tiêu, sầu riêng và bơ trên diện tích đất trống nhằm tăng thu nhập. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm lúa trên diện tích 3,8 sào. Hằng năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về gần 80 triệu đồng.

Anh Y Châu Niê, buôn Sinh B (bên phải) giới thiệu vườn cà phê tái canh của gia đình.
Anh Y Châu Niê, buôn Sinh B (bên phải) giới thiệu vườn cà phê tái canh của gia đình.

Anh Y Bình Niê, cán bộ UBND xã Ea Drông cho biết, hiện nay toàn xã đang tái canh 67,58 ha cà phê già cỗi, trồng lâu năm, năng suất thấp. Giống cà phê tái canh được ưa chuộng là TR4 và TR9 vì cho năng suất cao, cây giống khỏe, cán bộ khuyến nông cũng khuyến khích sử dụng giống này.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.