Ở Buôn Ma Thuột, uống cà phê… khắp thế giới
Với bộ sưu tập hàng trăm dụng cụ pha chế cà phê được sưu tầm từ nhiều nước trên thế giới, showroom sản phẩm của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái trên đường Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuột được xem như “bảo tàng” cà phê thu nhỏ.
Những du khách, tín đồ cà phê trong nước và quốc tế mỗi lần đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, ghé thăm địa điểm này đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi tham quan các loại dụng cụ, máy pha cà phê độc đáo và trải nghiệm nhiều cách pha chế, thưởng thức cà phê khác nhau. Chủ nhân của bộ sưu tập ấy là doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi, người đã gắn bó với cà phê từ hàng chục năm nay. Anh chia sẻ, là nhà sản xuất, kinh doanh cà phê và muốn đưa sản phẩm vươn xa toàn cầu, anh đã đến nhiều quốc gia trên thế giới. Mục đích ban đầu của anh là muốn tìm hiểu về thị hiếu của khách hàng quốc tế, về gu uống cà phê của từng quốc gia để phục vụ công việc kinh doanh. Trong mỗi chuyến công tác nước ngoài, những sản phẩm, dụng cụ về pha chế, thưởng thức cà phê từ khắp nơi được anh tìm mua và đem về trưng bày trong showroom của công ty và dần dần trở thành… bảo tàng về cà phê.
Kiểu pha cà phê Syphon tại "bảo tàng" cà phê. |
Mới 7 giờ sáng đã có mấy vị khách từ Hà Nội đến “bảo tàng”. Sau khi mua mấy bịch cà phê đem về thủ đô làm quà, họ tranh thủ tham quan các “hiện vật” và tìm hiểu về cà phê qua “hướng dẫn viên” là anh nhân viên am tường về cà phê Việt Nam và thế giới. Tại tầng hai của “bảo tàng” có một máy pha cà phê lạ lẫm khiến nhiều người thích thú. Đó là sản phẩm được mua từ Hàn Quốc để pha cà phê bằng… đá lạnh (Cold Brew) – một phát minh của những những thủy thủ nghiền cà phê người Hà Lan. Chuyện rằng, vào thế kỷ thứ 17, trong những chuyến đi biển kéo dài, để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu đốt, các thủy thủ đã pha cà phê rồi ngâm trong những bình chứa nước và cất dưới khoang tàu để dùng dần. Thời tiết lạnh, cà phê để lâu bị đông đá, khi uống họ phải chờ nó tan ra. Thật bất ngờ, cà phê lạnh lại ngon hơn khiến họ thích thú. Theo những chuyến tàu, các thủy thủ Châu Âu đã đưa kiểu uống cà phê này đến Nhật Bản và phong cách Cold Brew dần dần được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới. Để pha cà phê kiểu này, người ta đặt bình đá lạnh Cold Brew có vòi nhỏ giọt có thể điều chỉnh độ chảy. Bên dưới là bình thủy tinh chứa cà phê có miếng vải lọc được thấm ướt đặt ở đáy bình. Bình bên trên được khóa van, cho đá vào, thêm nước lạnh rồi mở van từ từ. Khi nước đá đã nhỏ hết khỏi bình bên trên và cà phê cũng ngừng nhỏ giọt xuống bình chứa bên dưới thì đưa cà phê ra uống. Ưu điểm của cách thưởng thức này là hương vị cà phê được giữ trọn vẹn, đặc trưng.
Cũng tại đây, khách được trải nghiệm kiểu cà phê cầu kỳ, tinh tế là pha bằng Syphon ra đời từ những năm 1870. Theo đó, cà phê được chiết xuất theo nguyên lý áp suất kết hợp bình chân không, dụng cụ pha chế gồm có bình cầu, phễu lọc, tấm lọc, bếp gia nhiệt. Cà phê hạt được xay mịn cho vào phễu lọc. Dưới tác dụng của nhiệt độ, nước trong bình cầu sẽ trào lên phễu lọc và chiết xuất cà phê. Sau khi chiết xuất xong thì cà phê sẽ chảy xuống lại bình cầu, lúc đó lấy ra để sử dụng…
Trên thế giới có 20 - 30 kiểu uống cà phê đang phổ biến, cùng một loại cà phê nhưng có thể cho ra những ly cà phê có mùi, vị khác nhau như cà phê phin Việt Nam, phin giấy của Nhật Bản, pha Syphon của Pháp, pha Drip của Mỹ, pha máy Espresso và bình Moka của Ý, pha cát của Thổ Nhĩ Kỳ... Tất cả đều được tái hiện sinh động trong showroom nhỏ này. Khách đến uống cà phê tại đây được hướng dẫn về lịch sử, đặc trưng của từng kiểu uống cà phê và tìm hiểu văn hóa cà phê. Có lẽ vì vậy mà có người đến đây đã nói rằng ở Buôn Ma Thuột có thể uống cà phê… khắp thế giới.
Anh Nguyễn Xuân Lợi cho biết có những vị khách nước ngoài đến đây uống cà phê chia sẻ họ có cảm giác như đang ở nước mình. Bộ sưu tập sản phẩm, dụng cụ về cà phê không chỉ là niềm vui của một người đam mê cà phê mà qua đó, anh cũng mong muốn cà phê Buôn Ma Thuột sẽ được nhiều người biết đến nhiều hơn ở trong nước và thế giới.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc