Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trồng nhãn da bò

07:23, 08/11/2018

Năm 2000, cựu chiến binh Lương Xuân Sĩ đưa gia đình vào lập nghiệp tại thôn 13, xã Ea Lê (huyện Ea Súp). Với nguồn vốn ít ỏi mang theo từ quê nhà, ông Sĩ đầu tư mua 2 ha đất gần suối để canh tác. Do đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, dù đã thử trồng rất nhiều loại cây như tiêu, điều, cao su nhưng tất cả đều không mang lại kết quả.

Năm 2014, trong một lần đến thăm người thân tại tỉnh Bình Phước, ông tình cờ được tham quan vườn nhãn da bò sai trĩu quả. Ông quyết định mua 250 gốc nhãn mang về nhà trồng. Để biết cách chăm sóc vườn nhãn, ông học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, hội thảo đến tham quan thực tế. Từ đó, ông mạnh dạn thay đổi kiểu canh tác truyền thống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa sâu bệnh, học hỏi kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Cuối năm 2017, thu hoạch vụ nhãn đầu tiên, gia đình ông có thu nhập hơn 60 triệu đồng. Ông Sĩ mừng rơi nước mắt bởi đây là thu nhập lớn nhất mà ông có được từ vườn cây của mình.

Ông Sĩ trong vườn nhãn của gia đình.
Ông Sĩ trong vườn nhãn của gia đình.

Hiện nay, gia đình ông Sĩ đang thu hoạch vụ nhãn năm 2018. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năm nay vườn nhãn sai trĩu quả, dự tính cho thu hoạch trên 5 tấn, với giá bán được các thương lái thu mua 20.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông Sĩ chia sẻ, mỗi vụ nhãn thu hoạch xong, ông đều tập trung cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân để cây phục hồi sức khỏe tốt. Cứ 3 tháng một lần lại tiến hành bón phân, phun thuốc phòng bệnh, đến thời điểm tháng 7 - 8 âm lịch là xử lý ra hoa đồng loạt đạt 80 – 90%.

Thấy được tiềm năng từ việc trồng cây ăn trái, ông Sĩ còn mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư trồng thêm 150 gốc nhãn xen lẫn 200 gốc xoài và mít. Ông còn dự định sẽ kéo được đường điện vào tận rẫy để có thể chủ động trong khâu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, gia đình ông còn chủ động xen canh gối vụ, trồng luân phiên sắn, ngô, đậu để tăng thêm thu nhập và có thức ăn chăn nuôi gà, cá.

Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Sĩ đang trở thành điểm đến để học tập kinh nghiệm của nhân dân trong xã và các vùng lân cận. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sĩ còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã, là tấm gương trong các phong trào vận động giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế tại địa phương.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.