Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Kbang (huyện Ea Súp): Hàng trăm héc-ta lúa vụ 2 có nguy cơ mất trắng vì khô hạn

09:01, 05/11/2018

Do chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi nên lâu nay nông dân xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) chỉ sản xuất được một vụ vào mùa mưa, năng suất cũng như chất lượng nông sản phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Vụ đông xuân vừa qua, nông dân xã Cư Kbang đã xuống giống trên 1.500 ha lúa, thời tiết vụ đầu tương đối thuận lợi, mưa đều nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha.

Tuy nhiên, sau khi thu hoạch xong vào tháng 6-2018, bà con nông dân ồ ạt làm đất để xuống giống tăng vụ đợt hai với diện tích lên đến 1.000 ha lúa nước. Sau khi xuống giống được khoảng 1 tháng thì những cơn mưa cuối mùa thưa thớt dần rồi chấm dứt, kéo theo là thời tiết khô nóng kéo dài dẫn đến tình trạng hàng trăm héc-ta lúa rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nhiều hộ dân đã bỏ ruộng phó mặc cho thời tiết, một số hộ khác thì tìm cách khắc phục tình trạng khô hạn bằng cách bơm nước từ các con suối hoặc khoan giếng ngay tại chân ruộng để lấy nước mong cứu vụ lúa.

Nhiều hộ dân tốn chi phí hàng chục triệu đồng để bơm tưới với hy vọng được thu hoạch lúa.
Nhiều hộ dân tốn chi phí hàng chục triệu đồng để bơm tưới với hy vọng được thu hoạch lúa.

Tại cánh đồng thôn 3, dễ thấy những chân ruộng đang chết dần vì thiếu nước, mặt ruộng nứt nẻ, khô khốc, nhiều diện tích lúa vàng úa, cháy rụi vì khô hạn. Để cứu lúa, nhiều hộ đã bỏ cả chục triệu đồng đầu tư khoan giếng với độ sâu từ 40-50 m trở lên với hy vọng có nước cung cấp cho các ruộng lúa. Trên quãng đường chưa đầy 500 mét, đã có đến hơn 20 giếng khoan dọc hai bên đường và tại các chân ruộng khô héo.

Ông Đàm Văn Long, nông dân thôn 3 ngán ngẩm: "Sau khi thu hoạch xong đợt 1, do trời vẫn còn mưa đều nên gia đình tôi cũng như bà con nông dân trên địa bàn liền tiến hành làm đất xuống giống đợt 2. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng xuống giống, toàn bộ 1,5 ha lúa của gia đình đều bị khô hạn. Dù gia đình tôi đã đầu tư khoan giếng sâu 45 m nhưng mới bơm tưới được hai đợt thì giếng cũng cạn khô. Có lẽ gia đình tôi đành bỏ lúa phó mặc cho thời tiết". Gia đình anh Đàm Quân (thôn 2) cũng cùng cảnh ngộ. Trong vụ 2 này, gia đình anh Quân xuống giống 2 ha lúa. Để có nước cung cấp cho ruộng lúa, anh đã đầu tư đào 2 giếng khoan, cứ 6 - 7 ngày lại bơm tưới một lần, chi phí mỗi lần bơm tưới 1,5 triệu đồng. Đến thời điểm này anh đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng nhưng vẫn không chắc có đủ nước cho lúa hay không vì phải 5 - 6 lần bơm tưới nữa thì mới đến kỳ thu hoạch. Anh Quân cho biết, các giếng khoan trên địa bàn bắt đầu có hiện tượng hết nước nên các hộ phải thay nhau tưới luân phiên thì mới hy vọng đủ nước để cung cấp cho ruộng lúa.

Gia đình ông Đàm Văn Long (thôn 3) phải thu dọn máy bơm vì giếng hết nước.
Gia đình ông Đàm Văn Long (thôn 3) phải thu dọn máy bơm vì giếng hết nước.

Điều đáng nói là việc gieo trồng lúa vụ 2 tại xã Cư Kbang là do người dân tự phát triển khai, chính quyền và các cơ quan chức năng không khuyến khích, không có chủ trương chỉ đạo nông dân xuống giống. Ước tính diện tích lúa trên địa bàn xã Cư Kbang bị thiệt hại do thiếu nước đến thời điểm này lên tới 500 - 600 ha.

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.