Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ sản xuất cà phê nguyên chất

08:58, 28/12/2018

Khởi nghiệp từ việc sản xuất cà phê nguyên chất không chỉ giúp chị Lê Thị Hoài Lệ ở thôn 9, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.

Sau nhiều năm gắn bó với việc trồng cà phê, chị Lệ nhận thấy rằng trong khi giá cà phê thô liên tục biến động thì giá cà phê thương phẩm vẫn luôn ổn định, cùng với đó là tình trạng cà phê bẩn tràn lan trên thị trường nên chị đã nảy sinh ý tưởng sản xuất cà phê nguyên chất từ chính những hạt cà phê do gia đình làm ra để nâng cao giá trị.

 Chị Lệ  và sản phẩm  cà phê  nguyên chất.
Chị Lệ và sản phẩm cà phê nguyên chất.

Nghĩ là làm, với mong muốn tạo những sản phẩm cà phê nguyên chất, giữ được hương vị tự nhiên, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, chị Lệ đã lặn lội xuống TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu và học hỏi cách chế biến từ một số cơ sở sản xuất cà phê thương phẩm có uy tín. Sau khi đã nắm vững quy trình sản xuất cùng với những kinh nghiệm tích lũy được, năm 2017, chị Lệ quyết định mở cơ sở sản xuất cà phê nguyên chất mang thương hiệu Rin Coffee. Chị còn đầu tư một chiếc máy rang xay cà phê trị giá 25 triệu đồng (mỗi mẻ rang được 4 kg cà phê) để phục vụ cho việc kinh doanh. Nguồn nguyên liệu chính là cà phê hạt thu hoạch từ vườn cà phê rộng 2 ha của gia đình đã được chọn lựa kỹ lưỡng. Không chỉ chú trọng đến chất lượng, chị Lệ còn thiết kế bao bì riêng cho sản phẩm cà phê của mình, trên đó in rõ các thông số, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất như thành phần, nhiệt độ rang, thời gian bảo quản… Ngoài ra, chị còn rang xay cà phê theo yêu cầu và sở thích của khách hàng.

Cà phê nguyên chất do chị Lệ sản xuất là một trong những sản phẩm tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Búk lựa chọn để trưng bày tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.

Thế nhưng khi đã làm ra sản phẩm, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là khâu tiếp cận thị trường, làm thế nào để thay đổi thói quen sử dụng cà phê của người tiêu dùng. Chị Lệ đã dành nhiều thời gian để tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê pha trộn. Theo đó, một ly cà phê nguyên chất sẽ có màu nâu cánh gián, không bị sánh đặc, có mùi thơm dịu chứ không nồng. Nhờ chất lượng sản phẩm cùng với mẫu mã đẹp, dần dần Rin Coffee đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Những khách quen sau khi mua hàng đã giới thiệu cho bạn bè, người thân tìm mua sản phẩm cà phê của chị để sử dụng và làm quà biếu. Nhờ đó, lượng hàng bán ra ngày càng tăng, từ chỗ 20-30 kg/tháng đến nay đã tăng lên vài trăm ki-lô-gam/tháng.

Chị Lệ  đóng gói cà phê thành phẩm.
Chị Lệ đóng gói cà phê thành phẩm.

Sau một năm kinh doanh, hiện mỗi tháng gia đình chị xuất ra thị trường trên 2 tạ cà phê nguyên chất phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng, đồng thời cung cấp cho những mối hàng lâu dài là các quán cà phê ở thị xã Buôn Hồ, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, với giá bán dao động từ 85-100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu lãi từ 6-7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn làm dịch vụ gia công, đóng gói cà phê cho những ai có nhu cầu với giá 10-15 nghìn đồng/kg.

Theo chị Lệ tính toán, thay vì bán cà phê nhân thô khoảng 3,5 triệu đồng/tạ như hiện nay thì với 1 tạ cà phê hạt sau khi rang xay thu được khoảng 70 kg cà phê thương phẩm, sau khi trừ tất cả các chi phí người làm vẫn có thể thu lãi từ 2-3 triệu đồng. Chị Lệ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất. Khi có đầu ra ổn định với số lượng lớn thì ngoài việc sử dụng nguồn cà phê do gia đình tự trồng, chị sẽ liên kết với những hộ dân trồng cà phê quanh vùng để có nguồn nguyên liệu ổn định, giúp cho việc sản xuất được thuận lợi hơn.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.