Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Nuôl thấp thỏm vì cam, quýt rớt giá

08:45, 17/12/2018

Đang vào thời điểm thu hoạch, nhưng đã hai tháng trở lại đây, người trồng cam, quýt ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) không mấy phấn khởi vì tình trạng cam, quýt rớt giá kéo dài.

Sau thời gian được chăm sóc cẩn thận, vườn cam, quýt 1.600 cây (1,6 ha) của anh Ngô Văn Châu (buôn Ko Đung) đã đến ngày thu hoạch, ước đạt sản lượng khoảng 30 tấn quả. Hái từng trái quýt to, đẹp nhưng anh Châu buồn rầu nói: “Cùng thời điểm này năm ngoái giá thu mua tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, vậy mà nay thương lái đến tận vườn chọn lựa trái loại đẹp giá chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mua xô chỉ dưới 10.000 đồng/kg. Chưa có năm nào cam, quýt lại rẻ như thời điểm này”. Theo anh Châu, giá cả phân bón ngày càng tăng, nhất là tình hình dịch bệnh trên cây quýt ngày một nhiều nên đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Nếu mức giá những ngày tới vẫn “đứng im”, vụ này xem như thua lỗ. Hiện gia đình anh đã thu hái được 1/2 diện tích, lứa cam xoàn và quýt đường còn lại trên cây đang chờ chín để phục vụ thị trường dịp Tết với hy vọng giá cả sẽ khả quan hơn.

Cán bộ Hội Nông dân xã tìm hiểu tình hình thu hoạch cam, quýt của gia đình anh Ngô Văn Châu (trái).
Cán bộ Hội Nông dân xã tìm hiểu tình hình thu hoạch cam, quýt của gia đình anh Ngô Văn Châu (trái).

Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, gần một tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Muộn (buôn Ko Đung) bắt đầu thu hoạch 1,4 ha cam sành và quýt đường trong trạng thái rầu rĩ. Chị Muộn cho hay, dù giá thương lái thu mua rất thấp, nhưng không thể để trái chín hỏng trên cây, chị đành cắt bán với mức giá 8.000 - 12.000 đồng/kg quýt đường, 10.000 - 14.000 đồng/kg cam sành. Theo tính toán, để chăm sóc 1 ha cam, quýt phải chi phí hơn 100 triệu đồng cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Do đó, cam, quýt phải có giá từ 14.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi. Vụ năm trước, với sản lượng 20 tấn, giá ổn định 20.000 - 28.000 đồng/kg, vườn cây này cho thu lãi gần 300 triệu đồng. Nhưng vụ này, với giá cả thị trường ảm đạm như vậy thì coi như chỉ “bỏ công làm lãi”...

Vườn cam, quýt của gia đình chị Nguyễn Thị Muộn (buôn Ko Đung) đang trong những ngày thu hoạch rộ.
Vườn cam, quýt của gia đình chị Nguyễn Thị Muộn (buôn Ko Đung) đang trong những ngày thu hoạch rộ.

Ông Đặng Tường Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl cho biết, những năm gần đây, cam, quýt đem lại giá trị kinh tế cao lại phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên diện tích được mở rộng, sản lượng ngày càng nhiều; giá cả sản phẩm các thương lái tự thỏa thuận với nhà vườn, chưa có đơn vị nào nhận bao tiêu đầu ra. Trong khi đó thị trường tiêu thụ nội tỉnh là chính, thời điểm này lại đang vào chính vụ, cung vượt cầu dẫn đến rớt giá, người nông dân phải gánh chịu thiệt hại. Để tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập, thời gian tới, địa phương đang có kế hoạch thành lập hợp tác xã nông nghiệp để các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, ổn định đầu ra… hướng tới phát triển cây ăn trái bền vững. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích để tránh rủi ro về kinh tế.

Ea Nuôl là xã có diện tích cam, quýt lớn của huyện Buôn Đôn với gần 200 ha, trong đó 90% đang cho trái, năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha, sản lượng ước đạt 4.000 tấn quả/năm. Hiện giá cam, quýt giảm còn 8.000 - 12.000 đồng/kg (chỉ bằng gần 1/3 so với thời điểm cao nhất năm ngoái là 30.000 đồng/kg) khiến người trồng thấp thỏm lo lắng, nhất là những hộ trồng cam, quýt chuyên canh.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.