Multimedia Đọc Báo in

Phát triển mô hình trồng rau chuyên canh ở Ea Kuếh

09:13, 15/12/2018

Với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới thuận lợi, những năm gần đây, nông dân xã Ea Kuếh (huyện Cư Mgar) đã chú trọng mở rộng diện tích chuyên canh rau xanh theo hướng hàng hóa, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong vùng.

Ông Nương Đức Hường (thôn Thác Đá) gắn bó với nghề trồng rau đã hơn 15 năm. Từ 1 sào ban đầu, 3 năm trở lại đây nhờ thị trường tiêu thụ rau được mở rộng, ông Hường mạnh dạn chuyên canh vựa rau 1 ha. Vườn rau của ông Hường chủ yếu trồng những loại rau ngắn ngày theo mùa như: các loại cải, mồng tơi, đậu cô ve, bí lấy ngọn… với thời gian từ 20 - 30 ngày là cho thu hoạch nên ông có thể trồng 8 - 10 vụ/năm. Ông Hường chia sẻ, để có vụ rau đạt chất lượng, ông luôn chú trọng khâu làm đất, bón vôi để khử khuẩn, cho đất nghỉ ngơi 5 - 7 ngày trước khi vào vụ mới. Hiện vườn rau của gia đình ông đang cho thu rộ các loại: bắp sú, cải dưa, cà chua… Những diện tích đã thu hoạch xong được ông cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống rau vụ Tết. Nhờ kỹ thuật chăm sóc bài bản, an toàn sinh học, mỗi tháng vườn rau của ông Hường cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn rau các loại, trừ chi phí ông thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Tươi (thôn Thác Đá, xã Ea Kuếh) đang chăm sóc vườn rau của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Tươi (thôn Thác Đá, xã Ea Kuếh) đang chăm sóc vườn rau của gia đình.

Tương tự, chị Hồ Thị Niềng (thôn 15) cũng đã chuyển đổi 5 sào cà phê già cỗi sang trồng rau chuyên canh. Theo chị Niềng, làm rau tuy có phần bận rộn vì phải chăm sóc kỹ lưỡng hằng ngày, nhưng rau là cây trồng ngắn ngày nên cho nguồn thu quanh năm. Các loại rau củ được chị canh tác hợp lý, tùy theo nhu cầu của thị trường mà trồng nhiều hay ít. Thời điểm này, chị đang tập trung trồng các giống rau như xà lách, súp lơ, su hào và rau thơm các loại để kịp thu hoạch dịp trước Tết. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tươi (thôn Thác Đá), nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các mô hình trồng rau chuyên canh, năm 2015, chị đã cải tạo 5 sào đất vườn nhà làm giàn trồng bầu, bí xanh. Để tăng nguồn thu trên cùng đơn vị diện tích, chị còn tận dụng khoảng đất trống phía dưới giàn trồng thêm su hào, bắp cải. Nhờ vậy mà mỗi năm vườn rau nhà chị đều cung ứng cho thị trường 50 - 60 tấn rau quả, cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Niềng (thôn 15, xã Ea Kuếh) thu hoạch vườn dưa leo của gia đình.
Chị Hồ Thị Niềng (thôn 15, xã Ea Kuếh) thu hoạch vườn dưa leo của gia đình.

Ông Ngân Hoài Lu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kuếh cho biết, nghề trồng rau xanh trên địa bàn xã đã có từ nhiều năm trước nhưng khoảng 4 năm trở lại đây mới trở thành hướng phát triển kinh tế để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân. Hiện nay toàn xã có tổng diện tích trên 40 ha rau xanh và dần hình thành vùng trồng rau chuyên canh tập trung tại thôn Thác Đá và thôn 15, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn rau xanh các loại. Tuy nhiên, việc trồng rau xanh đều mang tính tự phát và đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái. Để giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng thêm diện tích trồng, kế hoạch sắp tới sẽ hình thành và ra mắt hợp tác xã rau an toàn nhằm liên kết các hộ trồng rau trong vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người sản xuất.

Hiện nay, hơn 50 hộ trồng rau trên địa bàn xã Ea Kuếh đều chuyên canh rau theo quy trình sản xuất rau an toàn, lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm tiết kiệm lượng nước, nhân công lao động, thời gian; sử dụng phân chuồng ủ với nấm vi sinh bón cho rau, hạn chế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó nâng cao giá trị và sản lượng. Ngoài ra, các hộ còn học hỏi kỹ thuật ươm cây giống nhằm phục vụ cho quá trình phát triển vườn rau, giảm chi phí đầu tư.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.