Vượt lên nghịch cảnh làm kinh tế giỏi
Sau khi lập gia đình, năm 2003 chị Nguyễn Thị Tía cùng chồng con từ quê hương Hải Dương vào lập nghiệp tại tổ dân phố 4, thị trấn M’Đrắk (huyện M’Đrắk). Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị chịu khó làm thuê cuốc mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Hai chân bị tàn tật từ nhỏ, khó khăn trong việc đi lại nhưng bù lại chị Tía rất tháo vát, cần cù, ham học hỏi. Tận dụng nguồn nước hồ tự nhiên, năm 2008, vợ chồng chị vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua Hội Phụ nữ thị trấn đầu tư làm chuồng, mua thức ăn và 100 con vịt giống siêu trứng để chăn nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tía (ngoài cùng bên phải) tham gia một lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật. |
Xây dựng kinh tế ở một vùng đất hoàn toàn mới, lại là hộ đầu tiên nuôi vịt siêu trứng ở địa phương nên vợ chồng chị Tía gặp vô vàn khó khăn. Chị vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Dù bận rộn tới đâu và đi lại khó khăn song chị Tía cũng không bỏ lỡ một buổi tập huấn chăn nuôi nào do chính quyền địa phương tổ chức. Để tiết kiệm chi phí đầu tư lại tiện cho việc chăm sóc và quản lý nên chị Tía chọn giải pháp xây chuồng trại đơn giản, một ngăn lớn để nuôi vịt đẻ, ngăn còn lại nuôi vịt hậu bị. Khu vực chăn nuôi được gia cố bờ chắc chắn. Nhờ chị áp dụng hiệu quả kiến thức về cách xây dựng chuồng trại cũng như kỹ thuật chọn giống và chăm sóc nên đàn vịt đẻ của gia đình chị phát triển khỏe mạnh. Bước đầu thành công, gia đình chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với số lượng lớn.
Hiện gia trại của chị Tía có trên 2.000 con vịt; trong đó có khoảng 1.500 con vịt đẻ và trên 500 con vịt hậu bị, mỗi ngày chị thu về hơn 1.000 quả trứng. Với giá hiện tại là 2.500 - 3.000 đồng/quả trứng, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình chị có lãi hơn 500.000 đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình chị còn là địa chỉ tin cậy được nhiều hộ ở địa phương đến học hỏi kinh nghiệm về phát triển kinh tế.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc