Khởi nghiệp từ tinh dầu dược liệu
Có một công việc ổn định với nhiều cơ hội để phát triển nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1981) lại từ bỏ để chọn cho mình con đường ít bằng phẳng hơn, đó là sản xuất các loại tinh dầu dược liệu.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 ở Phủ Lý (Hà Nam), Nguyễn Văn Tuấn đã vào Buôn Ma Thuột làm việc tại Công ty Cao su Đắk Lắk, phụ trách mảng truyền thông và xây dựng thương hiệu. Năm 2009, anh được điều chuyển sang làm Trưởng Phòng Kinh doanh Khách sạn Dakruco. Tại đây, anh có cơ duyên gặp một số chuyên gia làm việc trong các công ty dược như Bayer, Anco, Tuệ Linh…
Cơ duyên để anh Tuấn đến với những chuỗi ngày miệt mài sau đó với tinh dầu chính là từ việc các công ty dược này đặt vấn đề nhờ anh tìm giúp nguồn cây dược liệu như: sả, hương nhu để chiết xuất tinh dầu. Quá trình liên hệ tìm nguyên liệu cho các công ty dược phẩm vừa cho anh kiến thức, kinh nghiệm thực tế về tinh dầu cũng như thấy được tiềm năng của cây dược liệu ở Đắk Lắk. Năm 2015, anh Tuấn bắt đầu đầu tư máy móc để trực tiếp sản xuất tinh dầu. Một cơ sở nhỏ chiết xuất tinh dầu được anh đầu tư và đặt tại xã Ea Nuôl (Buôn Đôn).
Anh Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái) giới thiệu về sản phẩm tinh dầu Emay tại cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh năm 2018. |
Ban đầu, việc sản xuất của anh chủ yếu theo đơn đặt hàng từ các công ty dược phẩm. Tuy nhiên, khi nhận thấy thị trường có nhiều tiềm năng, năm 2016, anh quyết định nghỉ việc tại Công ty Cao su Đắk Lắk để chuyên tâm vào đầu tư sản xuất tinh dầu. Năm 2017, nhãn hiệu tinh dầu Emay ra đời. Ngoài những đơn hàng truyền thống ở các công ty dược phẩm, sản phẩm tinh dầu của anh đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước. Ngoài ra, sản phẩm tinh dầu Emay còn xuất khẩu gián tiếp qua các thị trường: Trung Quốc, Singapore… Để mở rộng quy mô, đầu năm 2018, anh đã đầu tư thêm một cơ sở sản xuất tinh dầu ở Cư Jut (Đắk Nông) với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh năm 2018, Đề án ‘‘Sản xuất tinh dầu từ cây dược liệu’’ của anh Tuấn đã được ban giám khảo đánh giá là dự án tiềm năng và mang ý nghĩa xã hội khá cao và đã đoạt giải Khuyến khích. Đây cũng chính là phần thưởng cho những nỗ lực miệt mài của anh, đồng thời cũng là nguồn động viên, khích lệ để anh vững tin và tiếp tục bước đi trên con đường khởi nghiệp vốn đầy chông gai và nhiều thách thức.
Chia sẻ về định hướng phát triển đối với sản phẩm tinh dầu mang thương hiệu Emay, anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít những diện tích đất trống, các vùng đất cằn cỗi bị bỏ hoang hoặc khai thác chưa hiệu quả. Cho nên anh dự định tiếp tục mở rộng liên kết với bà con nông dân trồng, phát triển các loại cây dược liệu như: sả, chanh, hương nhu, húng quế, tía tô, gừng, nghệ, bạc hà…, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Đối với sản phẩm tinh dầu mang thương hiệu Emay, anh cũng đã hoàn tất các thủ tục liên quan đến kiểm định chất lượng, đăng ký bảo hộ mẫu mã sản phẩm và bắt đầu đưa vào hệ thống nhà thuốc, quầy mỹ phẩm, siêu thị; mở rộng các kênh phân phối, đại lý các tỉnh, khai thác thêm thị trường online…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc