Multimedia Đọc Báo in

Người xứ dừa ở vùng biên Ea Súp

06:47, 30/01/2019

Từ năm 2002, một số người dân tỉnh Bến Tre bắt đầu rời quê hương lên miền đất rộng lớn Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk để lập nghiệp. Cũng từ đây, những cái tên mang địa danh của Bến Tre lần lượt ra đời ở vùng đồi núi bạt ngàn nắng gió như: Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách.

Nhắc lại ký ức những ngày đầu trên quê hương mới, bà Trần Lệ Thủy (Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê) nhớ như in: ngày 3-3-2002, khoảng 500 hộ dân xứ dừa rời miền quê sông nước đến vùng biên giới Ea Súp theo dự án kinh tế quốc phòng. “Ea Súp khi ấy là một vùng đất vàng cháy, hoang vu, cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại hết sức khó khăn, hằng ngày chúng tôi phải đi bộ vài cây số để đến nơi làm việc”, bà Thủy hồi tưởng.

Xanh mát bóng dừa ở xã vùng biên Ia R’vê.
Xanh mát bóng dừa ở xã vùng biên Ia Lốp.

Đến năm 2006, các xã vùng biên Ia Lốp, Ia R’vê được thành lập với một số thôn được đặt tên theo những địa danh quen thuộc của Bến Tre. Như bao người dân vùng miền khác trên quê hương mới, bà con quê hương xứ dừa cần mẫn lao động, đổ công sức, mồ hôi và thậm chí cả nước mắt để xây dựng cuộc sống. Từ chỗ lạ lẫm, khó thích nghi, họ dần dành nhiều yêu thương, gắn bó cho miền đất mới. Chịu khó tìm tòi, thử nghiệm, đến nay bà con xứ dừa đã phát triển kinh tế thành công với nhiều mô hình như: trồng ổi cao sản, mít Thái, thanh long ruột đỏ, nuôi vịt trời… góp phần xây dựng cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.

Cần mẫn dựng xây kinh tế, nhưng họ luôn nhắc nhở, dạy dỗ thế hệ con cháu biết trân trọng, lưu giữ những nét đẹp truyền thống quê nhà, tạo nên nét đặc trưng vùng sông nước trên miền đất vùng biên xa xôi. Ông Trương Quốc Lý (thôn 4, xã Ia R’vê) cho biết, không chỉ thế hệ của ông, mà con cháu sau này vẫn giữ nguyên giọng nói, phong tục, tập quán, ẩm thực quê hương. Dù chẳng được thiên nhiên ưu đãi như sông nước miền Tây, nhưng hầu như mọi đặc trưng của quê nhà đều được bà con gìn giữ, từ cái lu nước, vài gốc dừa quanh vườn, giống gà nòi đặc sản, hay một số rau trồng như: nhút, bông súng, bồn bồn…

Yêu quý và ước mong gìn giữ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, người Bến Tre trên địa bàn xã Ia R’vê đã thành lập câu lạc bộ văn nghệ, thường xuyên sinh hoạt vào cuối tuần. Với cây đàn ghita phím lõm, họ không chỉ ôn luyện, biểu diễn những lời ca vọng cổ truyền thống, mà còn sáng tác nhiều tác phẩm mới rồi tự tin biểu diễn, giao lưu văn nghệ, dự hội thi, hội diễn các cấp và đoạt nhiều giải cao. Từ phong trào văn nghệ sôi nổi đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ không chuyên như Võ Thị Nên, Văn Công Thu, Bùi Thị Phương Kiều…

 
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tâm niệm “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, bà con vẫn luôn an tâm bám đất, bám địa bàn, xây dựng quê hương mới ngày càng phát triển, giàu mạnh” .
 
 
 
 
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê

Quê hương là nơi trái tim hướng về, nên không chỉ ngày thường mà dịp lễ Tết, người xứ dừa nơi đây cũng có cách chào năm mới rất riêng. Ngoài việc ngồi bên nhau vui văn nghệ, cùng ca cải lương, vọng cổ thì bữa cơm Tất niên của họ không bao giờ thiếu món canh khổ qua nhồi thịt, như họ vẫn quan niệm là cả năm sương gió vất vả rồi, cuối năm nấu canh khổ qua với ước mong sang Xuân mới mọi khổ cực rồi sẽ qua để gia đình, làng xóm luôn được ấm no, vui tươi, hạnh phúc.

Mâm ngũ quả chưng Tết của người dân cũng không thể thiếu các loại quả: dừa, mãng cầu, đu đủ, sung, xoài. Cùng với đó, bà con còn tỉ mẩn làm thêm nhiều món ngon xứ dừa đãi khách như bánh tét làm bằng gạo nếp trộn nước cốt dừa, các loại mứt dừa, bánh tráng dừa, bánh phồng…

Quây quần bên nhau khi tiết Xuân đang về, mọi người cùng thả hồn vào giọng ca ngọt ngào, tha thiết của cô Võ Thị Nên trong ca khúc “Hai quê hương, một con người” do cô Bùi Thị Phương Kiều sáng tác. Từng câu chữ của bài ca vang lên như chính tình yêu chân chất, giản dị mà bền chặt được họ dành tặng cho quê hương mới Ea Súp …

Quỳnh Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.