Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản

10:00, 02/01/2019

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước đã được Sở Công thương tích cực triển khai nhằm thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản của địa phương. Hoạt động này được đánh giá là kênh phát triển thị trường khá hiệu quả.

Đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực áp dụng các quy trình kỹ thuật, thiết bị công nghệ hiện đại để cho ra đời các sản phẩm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm vẫn được xem là "bài toán khó". Trong năm 2018, Sở Công thương đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương với các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long, Tây Ninh...; khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản; tổ chức hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi; hỗ trợ thông tin thương mại; tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp... Ngoài ra, sở còn tích cực xây dựng các ấn phẩm cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa, giới thiệu các thế mạnh cạnh tranh của tỉnh. Chính nhờ những hoạt động này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cùng liên kết, đầu tư và phát triển; nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết.

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm mắc ca, bơ... tại Hội nghị kết nối giao thương Bến Tre - Đắk Lắk.
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm mắc ca, bơ... tại Hội nghị kết nối giao thương Bến Tre - Đắk Lắk.

Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho hay, nhờ những lần tham gia hội nghị kết nối giao thương với các tỉnh khác, doanh nghiệp của ông có cơ hội phát triển, khai thác thị trường mới. Riêng trong năm 2018, công ty đã gặp gỡ, liên kết với HTX Nông nghiệp Tích Khánh (chuyên trồng ca cao) ở tỉnh Vĩnh Long để tính đến việc chuyển giao công nghệ, hợp tác trong chế biến nhằm làm phong phú thêm cho các sản phẩm. Tương tự, bà Nguyễn Thị Phượng, chủ Cửa hàng đặc sản, quà lưu niệm Phượng cho biết, nhân cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, bà cũng đã có cơ hội đưa sản phẩm cà phê Phượng có mặt sâu hơn nữa vào thị trường này.

 
"Hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra cơ hội hợp tác, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp địa phương, góp phần giúp doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm".
 
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương

Tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và Tây Ninh được tổ chức vào giữa tháng 7 vừa qua, đã có 11 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Tây Ninh. Tín hiệu vui hơn nữa khi tại hội nghị này, phía Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ hỗ trợ, đăng tải thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm thế mạnh và tổ chức gian hàng “Tuần lễ sản phẩm đặc sản của tỉnh Đắk Lắk” tại siêu thị Auchan Tây Ninh. Qua đó, sẽ trưng bày, giới thiệu, bày bán các sản phẩm chủ lực, chất lượng của tỉnh Đắk Lắk phục vụ người tiêu dùng địa phương.

Năm 2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát tại các tỉnh thành Phú Yên, Bến Tre, Đà Nẵng, Cần Thơ... hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp tham gia và ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bơ, tinh bột nghệ vào siêu thị Big C ở các địa phương này. Cùng với đó,Trung tâm cũng tổ chức thành công 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, phục vụ người tiêu dùng tại các huyện Ea Kar, Krông Năng và Ea H’leo.

 Doanh nghiệp tỉnh ngoài  tìm hiểu về các sản phẩm cam, chanh dây,  ca cao... của Đắk Lắk  tại Hội nghị  kết nối  cung cầu  TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2018.
Doanh nghiệp tỉnh ngoài tìm hiểu về các sản phẩm cam, chanh dây, ca cao... của Đắk Lắk tại Hội nghị kết nối cung cầu TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2018.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội giao thương hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng chủ lực, trọng điểm của địa phương như: sản phẩm cà phê đã qua chế biến mang xuất xứ hàng hóa Cà phê Buôn Ma Thuột, tinh bột sắn, cao su, hạt điều, hồ tiêu, mắc ca… Bên cạnh đó, sở cũng sẽ chú trọng phát triển, đổi mới hệ thống cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại phục vụ cho các cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trong việc tiếp cận, khai thác, nắm bắt thông tin.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc