"Phù thủy" của vườn cây
Dù vụ thu hoạch sầu riêng đã qua khá lâu, trên cây không còn quả, nhưng anh Trần Vĩnh Phong (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) vẫn có cách “bắt” 60 cây sầu riêng của gia đình tiếp tục tạo ra thu nhập.
Anh Phong kể, vườn cây 1,3 ha này do bố mẹ để lại khi anh lập gia đình. Khi ấy, toàn bộ diện tích trồng thuần cây cà phê như hầu hết các gia đình khác trong vùng. Năm 2004, anh thay thế những gốc cà phê năng suất kém bằng 100 cây sầu riêng DONA. Một số cây bị chết do dê ăn lá và sâu bệnh, còn lại 60 cây sinh trưởng khỏe mạnh. Sau đó ít lâu, anh bắt đầu buôn sầu riêng và mít, thu hái tận vườn rồi bán lại cho các điểm thu mua trái cây hưởng phần giá chênh lệch. Công việc tuy vất vả nhưng giúp anh có thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình.
Trong quá trình đi buôn, anh tích lũy kinh nghiệm chăm sóc cây ăn trái của các chủ vườn và theo bạn hàng vào đến tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ để học hỏi kiến thức nông nghiệp, giao lưu, kết nối với các cơ sở sản xuất cây giống và các đầu mối thu mua nông sản. Đến khoảng năm 2014, anh mở được cơ sở cung ứng cây giống, nhập nguồn giống cây ăn trái đảm bảo chất lượng từ những đơn vị sản xuất uy tín tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn trái trong vườn, thay thế dần cây cà phê già cỗi.
Anh Phong (trái) kiểm tra việc ghép chui cành sầu riêng tại vườn. |
Lúc này, những cây sầu riêng trong vườn của anh Phong đang cho trái ổn định với năng suất cao, chất lượng thơm ngon. Anh nghĩ đến việc tự sản xuất giống cây sầu riêng để cung ứng cho bà con trong vùng, giảm bớt chi phí vận chuyển, hạ giá thành đầu vào. Thay vì chọn cách ghép thông thường, anh ứng dụng kỹ thuật ghép chui cành học hỏi được từ các nhà vườn ở miền Tây. Theo đó, ngọn ghép trên cây mẹ chỉ bị cắt xéo khoảng 1/3, gốc ghép vát nhọn theo hình chữ V rồi buộc cố định vào vết cắt trên cành cây mẹ. Cả bầu ươm sẽ được treo lên giàn cọc tre dựng xung quanh cây mẹ.
Nhờ cách làm này, chồi ghép vừa nhận được dưỡng chất từ cây mẹ để phát triển, vừa nhanh “liền da” với gốc ghép để tạo thành một cây giống độc lập. Anh Phong chia sẻ, kỹ thuật ghép “chui cành” đã rút ngắn thời gian chăm sóc chồi ghép xuống chỉ còn 1/3 so với cách ghép thông thường. Sau 1 tháng “chui cành”, cây giống được cắt khỏi thân mẹ, cành lá phát triển tương đương 1 cây giống ghép chồi thông thường chăm sóc trong 3 tháng. Cây giống này có thể mang đi trồng ngay hoặc tiếp tục chăm sóc trong vườn ươm. Bên cạnh đó, với cách ghép chui cành, cây giống sẽ giữ nguyên đặc tính của cây mẹ, hạn chế tình trạng thoái hóa giống thường xảy ra trên nhiều loại cây ăn trái.
Từ thành công với cây sầu riêng, anh dần nhổ bỏ toàn bộ cây cà phê, cải tạo đất để tập trung trồng các giống cây ăn trái có sức hút trên thị trường như bơ booth, na Thái, mít nghệ, mít Thái da xanh, mãng cầu xiêm... Anh tuyển chọn nguồn gốc cây giống chất lượng nhất để đảm bảo tiêu chí nhân giống. Khi cây đã phát triển ổn định, đủ tuổi, anh lại sàng lọc một lần nữa để chọn những cây tốt nhất làm cây mẹ và tiến hành ghép chui cành nhân giống.
Anh Phong đang thử nghiệm kích thích bơ booth cho quả trái vụ. |
Với cách làm trên, mỗi năm anh Phong tự sản xuất khoảng 10 nghìn cây sầu riêng giống, 10 nghìn cây bơ, 10 nghìn cây na Thái, 7 nghìn cây mãng cầu xiêm, 8 nghìn cây mít nghệ, mít Thái cao sản... mang lại thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Chưa kể, trong vụ sầu riêng năm 2018 vừa qua, anh thu hoạch được 13 tấn quả, bán với giá bình quân 90 nghìn đồng/kg, thu về hơn 1,1 tỷ đồng. Anh còn tích cực nghiên cứu nhiều hướng sản xuất đa dạng như: kích thích bơ booth cho quả trái vụ, trồng ổi bonsai... Cơ sở sản xuất của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương, trong đó có 1 thợ chuyên ghép cành với thu nhập lên đến 500 nghìn đồng/ngày công. Hiện anh đã mua thêm đất tại tỉnh Đắk Nông, liên kết sản xuất với nông dân trong vùng và trên địa bàn tỉnh Gia Lai để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất cây giống và nguồn cung ứng các loại trái cây cho thị trường trong và ngoài nước.
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc