Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm đủ điện trong mùa khô

08:46, 26/02/2019

Nắng nóng trong những ngày qua đã kéo nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tăng cao, nhất là dùng điện để bơm tưới cho cây trồng của người dân. Nhiều giải pháp tích cực đang được ngành Điện địa phương triển khai để bảo đảm đủ điện cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt.

Hiện đang vào vụ tưới cà phê đợt 1, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến. Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, thời điểm này, trung bình mỗi ngày sản lượng điện toàn tỉnh sử dụng ngày hôm sau đã tăng từ 400.000 - 500.000 kWh so với ngày trước đó. Ngành Điện cũng đang ghi nhận các "kỷ lục" mới về sản lượng điện qua từng ngày. Cụ thể, mùa khô năm trước, tháng 4 được coi là mùa cao điểm sử dụng điện khi sản lượng tiêu thụ trên địa bàn đỉnh điểm đạt 6,8 triệu kWh thì năm nay, mới vừa qua nửa cuối tháng 2, có ngày sản lượng điện đã lên đến 7 triệu kWh.

Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu như người dân tập trung tối đa chống hạn cho cây trồng, vì thế nhu cầu sử dụng điện được đẩy lên rất cao, tình trạng quá tải cục bộ tại một số trạm biến áp đã xảy ra ở những vùng trọng điểm trồng cà phê như: Ea H’leo, Krông Búk. Trên thực tế, nguồn điện cung ứng cho nhu cầu sản xuất của bà con dịp này không thiếu, song do nhu cầu tưới cà phê của người dân đồng loạt tăng cao tại một số khu vực đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Công nhân Điện lực Buôn Hồ thực hiện vệ sinh trạm biến áp, phục vụ  cho mùa khô năm 2019.
Công nhân Điện lực Buôn Hồ thực hiện vệ sinh trạm biến áp, phục vụ cho mùa khô năm 2019.


Do đó, nhân viên ngành Điện cũng tăng cường tối đa khối lượng công việc lên gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường. Ngoài việc liên tục kiểm tra, đo đếm công suất, phát hiện những địa bàn trọng điểm sử dụng điện và có nguy cơ tăng đồng loạt để điều tiết công suất thì ngành Điện còn sẵn sàng các phương án tăng cường truyền tải điện, luân chuyển công suất giữa các trạm biến áp để bảo đảm dòng điện liên tục, ổn định phục vụ từng khu vực.

Nắng nóng được dự đoán sẽ còn kéo dài, sản lượng điện sử dụng trong mùa khô năm nay dự kiến còn tăng cao hơn nữa. Điều này cũng khiến nhiều người lo lắng liệu có xảy ra tình trạng thiếu điện hay phải tiết giảm điện hay không, trong khi nhu cầu dùng điện tưới cho cây trồng là không thể dừng lại? Ông Lê Hoài Nhơn khẳng định, đến thời điểm này, hệ thống điện vẫn vận hành liên tục, ổn định, thời gian tới, mặc dù nhu cầu sử dụng tăng cao nhưng tình trạng thiếu điện hay tiết giảm sẽ rất khó xảy ra.

Để làm được điều đó, ngay từ đầu tháng 11 của năm trước, nguồn điện phục vụ cho mùa khô năm nay đã được ngành Điện chuẩn bị chu đáo, đi kèm các phương án dự phòng sẵn sàng. Theo đó, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động lập phương án cấp và bảo đảm an toàn điện trong mùa khô như chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị nguồn, lưới điện, tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục các điểm xung yếu và phát quang hành lang lưới điện... Cùng với đó, chú trọng kiểm tra thường xuyên hệ thống đo đếm, công suất sử dụng trong giờ cao điểm tại một số trạm biến áp phục vụ nhu cầu tưới cà phê của người dân, bố trí lực lượng trực thường xuyên, sẵn sàng ứng phó, xử lý sự cố về điện, quá tải trạm biến áp.

Tuy nhiên, ngành Điện địa phương cũng đề nghị sự chung tay của người dân trong việc nâng cao ý thức sử dụng điện. Cụ thể, các hộ trồng cà phê nên có kế hoạch tưới luân phiên, phân kỳ để tưới và hạn chế việc tưới nước trong giờ cao điểm để giảm thiểu việc quá tải xảy ra cục bộ tại một số trạm biến áp như đợt tưới vừa qua. Mặt khác, đơn vị cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương vận động, tuyên truyền bà con nâng cao ý thức sử dụng điện phục vụ sản xuất một cách tiết kiệm, an toàn và hợp lý.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.