Multimedia Đọc Báo in

CÔNG TY ĐIỆN LỰC ĐẮK LẮK: Cấp điện cho khách hàng

08:44, 05/02/2019

Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 27 thế giới. Riêng tại Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk), để hoàn thành tốt chỉ tiêu này, công tác cấp điện trung áp cho khách hàng luôn được đơn vị chú trọng. Thời gian giải quyết cấp điện luôn đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BCT của Bộ Công thương về rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng.

Chủ động rút ngắn thời gian cấp điện

Tháng 10-2017, PC Đắk Lắk đã ban hành lại Quy trình cấp điện áp dụng thống nhất trong toàn Công ty. Theo đó, đơn vị đã kết hợp một số khâu, giảm bớt các thủ tục nội bộ nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện. Đặc biệt, Công ty cũng đã điều chỉnh thời gian cấp điện trung áp thuộc các khâu trách nhiệm của ngành Điện từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Bên cạnh đó, các Điện lực trực thuộc được mở rộng phân quyền để chủ động giải quyết cấp điện đối với các trạm có dung lượng đến 2.000kVA.

Điện lực Buôn Hồ đấu nối trạm biến áp lưu động cấp điện cho Công ty  Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Hoàng Phương (Cụm Công nghiệp Krông Búk 1, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk).
Điện lực Buôn Hồ đấu nối trạm biến áp lưu động cấp điện cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Hoàng Phương (Cụm Công nghiệp Krông Búk 1, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk).

Công ty cũng đã xây dựng và ban hành bộ thiết kế mẫu đường dây và trạm biến áp (TBA). Với đối tượng khách hàng cần được lắp điện ngay, đơn vị có thể giải quyết tạm thời bằng lắp đặt TBA di động. Trong tháng tri ân khách hàng tháng 12-2017, PC Đắk Lắk đã triển khai cung cấp dịch vụ điện trên Cổng thông tin trực tuyến, hành chính công của tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành Điện phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết cấp điện cho khách hàng. Đồng thời, tất cả thủ tục, lưu đồ cấp điện đều được công khai niêm yết tại các phòng giao dịch khách hàng, website Công ty và hồ sơ cũng được đơn giản hóa theo cơ chế một cửa từ cấp Công ty đến các Điện lực trực thuộc.

Với những thay đổi tích cực này, trong năm 2018, PC Đắk Lắk thực hiện giải quyết cấp 82 công trình, với thời gian trung bình các khâu thuộc trách nhiệm của ngành điện là 2,93 ngày/công trình (theo quy định là 7 ngày). Mặt khác, Công ty luôn quan tâm đến việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện với việc tăng cường sử dụng đấu nối hotline nhằm hạn chế việc cắt điện thi công trên lưới điện trung áp cũng như phối hợp nhiều công tác khác nhau trên lưới khi có lịch cắt điện để giảm thiểu thời gian mất điện.

Ông Trần Ngọc Công, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Hoàng Phương cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang mở rộng quy mô sản xuất gỗ dạng viên nén làm chất đốt, xuất khẩu sang Nhật Bản với sản lượng dự kiến trên 500 nghìn tấn/năm. Vừa qua, đơn vị đã ký hợp đồng với PC Đắk Lắk, đề nghị xây dựng thêm 2 TBA có tổng dung lượng 2.000kVA để phục vụ sản xuất. Đến đầu tháng 12-2018, sau khi lắp đặt xong dây chuyền, đơn vị đã được Công ty Điện lực ưu tiên lắp đặt TBA lưu động có dung lượng 750kVA, cấp điện tạm thời để kịp sản xuất trong khi chờ hai trạm kia hoàn thành. Chúng tôi đánh giá cao sự chủ động của Điện lực trong việc nỗ lực cấp điện trong thời gian sớm nhất, bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp rút ngắn thời gian cấp điện nhưng hiện nay, hoạt động này vẫn đang còn gặp một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp giấy phép xây dựng. Thời gian khảo sát còn tốn nhiều thời gian do địa bàn quản lý rộng, nhiều nơi giao thông không thuận tiện. Mặt khác, việc thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng còn phụ thuộc vào kinh phí của người dân, thời gian mua sắm vật tư, điều kiện thời tiết, thi công,… Một số công trình, hạng mục do ngành Điện đầu tư, khi thực hiện thủ tục đấu nối vào lưới điện do khách hàng đầu tư trước đó cũng gặp một số trở ngại. 

Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk hiện chưa có quy hoạch phát triển điện lực đối với lưới điện trung áp (công trình có dung lượng lớn hơn 2.000kVA) nên công trình đầu tư xây dựng mới phải do Sở Công thương chủ trì, phối hợp cùng chính quyền địa phương, PC Đắk Lắk và đại diện chủ đầu tư tiến hành khảo sát, ký mặt bằng hướng tuyến cũng như xác nhận sự phù hợp của công trình với quy hoạch phát triển điện lực. Mặt khác, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho các đơn vị có liên quan ban hành quy định một cửa liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện trong việc thực hiện thủ tục cấp điện, nhằm rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Điện lực Krông Năng kết hợp lịch cắt điện để hoán chuyển máy biến áp chuẩn bị cấp điện cho mùa khô năm 2018 -2019.
Điện lực Krông Năng kết hợp lịch cắt điện để hoán chuyển máy biến áp chuẩn bị cấp điện cho mùa khô năm 2018 -2019.

Để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc thực hiện, các quy định trên cần được ban hành và thời gian giải quyết thủ tục cấp điện, xây dựng quy trình tiếp nhận, phối hợp giải quyết, luân chuyển hồ sơ khách hàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện phải thống nhất, công khai, minh bạch. Theo đó, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch phát triển Điện lực, thỏa thuận tuyến, cấp phép xây dựng, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường... đều không quá 5 ngày làm việc mới có thể đẩy nhanh tiến độ.

Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc PC Đắk Lắk cho biết: “Ngoài việc rút ngắn thời gian cấp điện với thủ tục đơn giản hơn, chỉ tiêu về tiếp cận điện năng còn bao gồm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, minh bạch trong giá bán điện... Do đó, trong thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các thay đổi về giá, lịch cắt điện... đều được thông báo công khai qua tin nhắn, niêm yết tại phòng giao dịch khách hàng và thông báo trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, khách hàng có thắc mắc trong quá trình sử dụng điện đều có thể liên hệ qua tổng đài 19001909 của ngành Điện miền Trung hoặc qua website của PC Đắk Lắk để được giải quyết sớm nhất, hài lòng nhất”.

Cẩm Ngọc

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.