Multimedia Đọc Báo in

Những nỗi lo trong giảm nghèo ở Krông Bông

09:27, 14/02/2019

Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao là 3 xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng của huyện Krông Bông. Cả ba xã có 30 thôn, buôn dân tộc thiểu số, với khoảng 4.460 hộ (trong đó 12 thôn, buôn đồng bào Hmông di cư với 2.100 hộ).

Mặc dù trong những năm qua, các cấp chính quyền đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo về vốn, giống, kỹ thuật song dường như công tác giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 40%.

Cư Pui là địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo. Xã Cư Pui đưa vào nghị quyết chỉ tiêu phấn đấu hằng năm phải giảm 3% hộ nghèo trở lên; tuy nhiên việc thực hiện rất nan giải. Mặc dù các hộ nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ hàng trăm con bò, dê, heo, gà, giống cây trồng, phân bón từ các dự án; dư nợ ở các ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng (riêng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là 24 tỷ đồng) nhưng tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 vẫn chiếm đến 46,5%, cận nghèo 26,7%. Tính ra năm 2018 xã Cư Pui chỉ giảm được 0,8% hộ nghèo (đạt 26,7% kế hoạch).

Nguyên nhân khiến việc giảm nghèo chậm chủ yếu do nhiều gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, lối canh tác, chăn nuôi lạc hậu, thời tiết bất lợi, giá cả nông sản bấp bênh… Ông Y’Kho Niê, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui) than thở: “Dư nợ ngân hàng của các hộ nghèo, cận nghèo trong buôn đã lên đến gần 2 tỷ đồng, riêng dư nợ ở Ngân hàng Chính sách xã hội là 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn, giống của rất nhiều hộ không mang lại hiệu quả. Buôn có 134 hộ thì có đến 78 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo. Năm 2018, cả buôn chỉ giảm được 1 hộ nghèo”.

Nhiều diện tích đất bằng, màu mỡ nhưng người dân chỉ trồng sắn.
Nhiều diện tích đất bằng, màu mỡ nhưng người dân chỉ trồng sắn.

Việc không tận dụng được nguồn lao động cũng dẫn đến khó khăn trong công tác giảm nghèo ở các thôn, buôn dân tộc thiểu số của các địa phương trên. Đơn cử như tại xã Yang Mao, ngoài việc thiếu đất sản xuất, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không có động lực vươn lên thoát nghèo; một số người chỉ làm việc thời vụ, thiếu bền vững; một số lại lười lao động, sa vào nhậu nhẹt. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Yang Mao lên đến 58%. Ông Y Drai M’drang, Chủ tịch UBND xã Yang Mao trăn trở: “Một bộ phận không nhỏ người dân ở đây dù đang trong độ tuổi lao động nhưng lại lười lao động, cộng thêm chi tiêu không hợp lý của nhiều hộ khiến công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Tỷ lệ giảm nghèo của xã vẫn đang ở mức rất cao và không bền vững”.

Bên cạnh đó, rất nhiều hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ sinh kế từ các dự án nhưng việc sản xuất, chăn nuôi chưa mang lại hiệu quả. Trong giai đoạn 2015 - 2018, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã hỗ trợ cho 782 hộ nghèo và cận nghèo của xã Cư Đrăm 22 con bò, 280 con dê, 1.560 con heo, 4.000 con gà và các loại cây giống trị giá hơn 7 tỷ đồng. Mặc dù đã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, chuồng trại, thức ăn song các hộ lại không tuân thủ, áp dụng đúng khiến việc chăn nuôi không hiệu quả, rất nhiều con giống bị mắc bệnh. Một số hộ chỉ nuôi con giống được một thời gian ngắn rồi mang bán hoặc làm thịt mà không gây đàn, nhân rộng. Ông Dương Tín Dìn, nhóm trưởng nhóm nuôi dê sinh sản của thôn Yang Hăn (xã Cư Đrăm) cho hay: “Năm 2017, nhóm nuôi dê sinh sản của thôn Yang Hăn có 20 hộ được thụ hưởng, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê cùng với kinh phí làm chuồng. Do không hợp khí hậu, thiếu thức ăn, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên dê bị bệnh, chết khá nhiều. Một số hộ đã đem bán hoặc giết thịt. Đến nay trong nhóm chỉ còn 2 hộ còn duy trì nuôi dê”. Hay ở buôn Chàm A (xã Cư Đrăm), đơn vị kết nghĩa đã trao tặng 13 con bò cái sinh sản cho 13 hộ có hoàn cảnh khó khăn; tuy nhiên, đến nay số bò này chỉ còn lại… 1 con do bà con đã đem bán, một số con bị chết hoặc bị giết thịt. Nhiều hộ được hỗ trợ chăn nuôi heo nhưng sau khi bán cũng không tái đàn nữa. Đến nay xã Cư Đrăm vẫn còn trên 42% hộ thuộc diện nghèo.

Nhiều người trong tuổi lao động nhưng lại lười lao động, thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt.
Nhiều người trong tuổi lao động nhưng lại lười lao động, thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt.

Việc loay hoay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng là một bài toán “hóc búa” trong công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng sâu Krông Bông. Diện tích đất gieo trồng hằng năm của các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao hiện trên 12.000 ha nhưng hơn 8.000 ha bà con chỉ trồng ngô, sắn hoặc các loại cây ngắn ngày; lối canh tác lạc hậu, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả kinh tế rất thấp. Trong khi đó, các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, vải, nhãn, cam, quýt, hay trồng dâu nuôi tằm; trồng cỏ phát triển đàn trâu, bò, dê; tái canh cây cà phê… chưa được quan tâm, vẫn còn ở quy mô nhỏ. Các địa phương cũng chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế về du lịch dù có rất nhiều tiềm năng phát triển như: Thác Ea Kar (Yang Mao), thác Yang Hăn (Cư Đrăm), thác Đắk Tuôr và Khu di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr (Cư Pui); các lễ hội của đồng bào Êđê, M’nông, các lễ hội của đồng bào các dân tộc phía Bắc…

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc