Multimedia Đọc Báo in

Thương hiệu "Gạo Krông Ana": Giấc mơ không còn xa

07:10, 06/02/2019
Là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất của tỉnh, chính quyền và nhân dân huyện Krông Ana đang tập trung xây dựng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”.
 
Những thủ tục cần thiết đến nay đã hoàn thành và không lâu nữa Thương hiệu “Gạo Krông Ana” sẽ xuất hiện trên thị trường, giá trị hạt gạo sẽ được nâng lên tầm  cao mới.

Huyện Krông Ana có hơn 11 nghìn ha lúa nước, nằm trải rộng khắp vùng bồi đắp phù sa của hai con sông lớn Krông Nô và Krông Ana. Không chỉ có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Krông Ana còn “nức tiếng” bởi người nông dân nơi đây đa phần đến từ những vùng trồng lúa nước lâu đời ở Thái Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế...

Nhờ đó, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, sản lượng lúa hằng năm đạt 77.000 tấn, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Buôn Trấp và các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl, Đray Sáp. Độ màu mỡ của đất cùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm là điều kiện tuyệt vời cho cây lúa đặc sản sinh trưởng và phát triển tốt. Điều này thể hiện rõ khi ngày càng có nhiều viện nghiên cứu, doanh nghiệp cung cấp lúa giống lớn trên cả nước chọn Krông Ana là nơi giới thiệu, thử nghiệm các giống lúa đặc sản. Cùng với kinh nghiệm lâu đời của người nông dân, kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trên những cánh đồng của Krông Ana đã sớm xuất hiện nhiều giống lúa đặc sản với năng suất và chất lượng cao.

Nông dân tham quan một mô hình  trình diễn giống lúa mới tại huyện Krông Ana.
Nông dân tham quan một mô hình trình diễn giống lúa mới tại huyện Krông Ana.

Trong đó, giống lúa RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, sau đó là các giống OM4900 (20%), giống OM6162 (10%) và các giống lúa khác. Nhờ đó, gạo sản xuất tại Krông Ana có hàm lượng protein đạt từ 8-9,2%, cao hơn nhiều so với hàm lượng protein trung bình của gạo trắng, gạo lứt; hàm lượng amylose lại tương đối thấp (15,2-19,5%), cơm dẻo nhưng không dính, vị đậm, thơm ngon.

Đặc biệt, nhiều hợp tác xã sản xuất lúa nước tại địa phương đã đăng ký để được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình VietGAP, sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị đầu tư nhà máy xay xát lúa và sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” trên bao bì.

Cùng với đó, người nông dân hiện nay cũng đã có nhận thức cao về tầm quan trọng của sản xuất an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính bản thân họ. Địa phương cũng đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực tạo được động lực, giúp bà con nông dân nhận thấy lợi ích về kinh tế từ việc tham gia các dự án VietGAP để mạnh dạn chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững hơn, góp phần xây dựng những nhãn hiệu gạo đặc sản có xuất xứ từ vựa lúa Krông Ana.

Nông dân huyện Krông Ana thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân huyện Krông Ana thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Việc xây dựng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” đã được huyện triển khai từ năm 2017, huyện cũng đã xây dựng các quy trình, quy chế sử dụng nhãn hiệu; quy trình cấp phép và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch; quy trình kiểm soát chất lượng gạo mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”.

Khi nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” được được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” sẽ gắn với sản phẩm gạo sản xuất theo quy trình an toàn, có chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc. Việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo sẽ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm. Từ đó, nhãn hiệu sẽ khuyến khích sản xuất phát triển, doanh thu tăng lên, giải quyết việc làm, đời sống người dân được ổn định. Với hướng đi này, để tiếp tục nâng cao giá trị, nhãn hiệu sản phẩm, bảo đảm xúc tiến thương mại có hiệu quả, Krông Ana cũng đang tập trung vào việc tiếp tục đưa các giống mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của huyện vào sản xuất. Thông qua đó, sản phẩm lúa gạo sẽ tạo ra đặc trưng riêng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nói chung, từ đó sẽ góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo, cải thiện thu nhập cho nhân dân địa phương.

Võ Đại Huế
 
Chủ tịch UBND huyện Krông Ana
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.