Multimedia Đọc Báo in

"Trải thảm đỏ" đón nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo

08:45, 26/02/2019

Với tiềm năng lớn về điện mặt trời (ĐMT), điện gió, đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án ĐMT lập dự án và xin chủ trương đầu tư, trong đó, 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk, với tổng công suất 210 MWp. Trong số này, Dự án ĐMT Sêrêpôk 1 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã chính thức đi vào vận hành phát điện, với sản lượng 73 triệu kWh/năm. Cũng trong năm nay, các dự án ĐMT Long Thành 1 (huyện Ea Súp), công suất 50 MWp; ĐMT Quang Minh (huyện Buôn Đôn), công suất 50MWp; Trang trại điện mặt trời BMT (huyện Krông Pắc) công suất 30 MWp; ĐMT Jang Pông (huyện Buôn Đôn), công suất 30 MWp và Cụm nhà máy ĐMT Xuân Thiện (huyện Ea Súp), công suất 600 MWp cũng sẽ đi vào hoạt động từ 50 đến 100% công suất.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh thăm Nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1 tại huyện Buôn Đôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh thăm Nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1 tại huyện Buôn Đôn.

Về điện gió, Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) là công trình điện gió đầu tiên ở Đắk Lắk cũng như vùng Tây Nguyên. Dự án do Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư, với tổng công suất 436 MW, vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 6-2019, tất cả 12 tổ máy của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành hòa lưới điện Quốc gia với công suất 28,8 MW, sản lượng điện 108 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, trong năm 2019, sẽ có 4 dự án điện gió khác, tổng công suất khoảng 400 MW dự kiến khởi công. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho 9 nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án với tổng công suất hơn 1.300 MW

Có thể thấy, với tiềm năng rất lớn, phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, lập dự án, tiến hành thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk sắp tới, UBND tỉnh và các nhà đầu tư sẽ ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện 5 dự án điện gió và điện mặt trời, tổng công suất 641 MW, vốn đầu tư dự kiến 20.826 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Nhà máy điện mặt trời Ya Lốp 1 (huyện Ea Súp) của Công ty Cổ phần Long Thành Đắk Lắk (công suất 50 MW, vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng); nhà máy điện gió tại các huyện Ea H’leo, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ của Công ty Egeres Enerji – Thổ Nhĩ Kỳ (70 MW, 2.310 tỷ đồng); nhà máy điện gió Buôn Hồ 3 (15 MW, 300 tỷ đồng); 4 nhà máy điện gió tại huyện Krông Búk của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hamek (200 MW, 1.600 tỷ đồng); nhà máy điện gió tại huyện Ea H’leo của Công ty Tập đoàn Trung Nam (306 MW, 11.716 tỷ đồng). Các dự án này đang được khảo sát, lập dự án, lắp đặt cột đo gió để thu thập số liệu lượng gió và bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh, làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

Trạm điều khiển phát điện của Trang trại điện gió Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo.
Trạm điều khiển phát điện của Trang trại điện gió Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, việc phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió sẽ cung cấp sản lượng đáng kể cho nguồn năng lượng Quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động. UBND tỉnh sẵn sàng “trải thảm đỏ”, tạo điều kiện thuận lợi nhất chào đón các doanh nghiệp có năng lực, thiện chí trong và ngoài nước đến Đắk Lắk đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Theo kết quả đo gió tại các khu vực trên địa bàn tỉnh cho thấy, lưu lượng gió rất tốt, trung bình năm đạt 6m/s, có tháng lên đến 9,5 m/s, trong khi đó, để phát điện trên địa hình đồi núi như Đắk Lắk thì chỉ cần gió đạt tốc độ 6m/s. Về năng lượng mặt trời, sản lượng đạt khoảng 95GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày, các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo… có bức xạ lớn hơn.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.