Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong điều tiết, sử dụng nước tưới ở công trình thủy lợi Hố Kè

13:54, 27/03/2019

Công trình thủy lợi Hố Kè ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) có diện tích mặt thoáng 35 ha, dung tích tối đa là 1.600.000 m3 nước với hai hệ thống kênh N1 (dài 2.248,7 m), N2 (dài 4.547,9 m) cung cấp nước tưới cho 135 ha đất nông nghiệp, trong đó có 121,85 ha lúa nước hai vụ/năm ở các thôn: 3, 4, 5, 6, 7, 8.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từ đầu vụ đông xuân 2018 - 2019, những diện tích ruộng ở cuối đoạn kênh N2 luôn trong tình trạng khô hạn bởi nước từ đập thủy lợi không thể chảy về đến đây.

Theo lịch phân phối nước do Chi nhánh thủy lợi huyện Krông Bông cung cấp, ngày 7 và 8-3-2019 đóng tuyến kênh N1, mở nước tuyến kênh N2 tưới cho cánh đồng tổ 8, đồng bầu Sấu, 1/2 đồng bầu Sen và 1/2 đồng bầu Điển, khu cánh đồng cuối kênh N2. Ngày 7-3, chúng tôi có mặt tại đoạn cuối kênh N2 khi trời nhá nhem tối, song vẫn còn rất nhiều người dân đổ ra đồng để chờ lấy nước về ruộng.  Ông Nguyễn Tường Lâm, người dân thôn 5 cho biết, tình trạng thiếu nước tưới đã kéo dài từ đầu vụ đến nay. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã nhưng không thấy ai về kiểm tra tình hình điều tiết nước tưới trên kênh N2. Cũng theo phản ánh của người dân, do cán bộ thủy nông không thường xuyên kiểm tra, điều tiết nước nên một số đoạn xi phông bị xuống cấp hư hỏng khiến nước từ đập thủy lợi về tới đây lại chảy ra ngoài hết.

Máy bơm  của các hộ dân xếp hàng  để chờ tới lượt bơm nước ngược về ruộng ở  cánh đồng  Hố Kè, xã Hòa Lễ.
Máy bơm của các hộ dân xếp hàng để chờ tới lượt bơm nước ngược về ruộng ở cánh đồng Hố Kè, xã Hòa Lễ.
 
“Hệ thống kênh chính N1 và N2 theo thiết kế chỉ có 20 cống tưới mặt ruộng, nhưng vì chưa có tổ thủy nông cơ sở nên người dân ở đây đã tự ý đục nhiều cống tưới, dẫn đến khó kiểm soát được mực nước trong kênh chính”.
 
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ

Để có nước tưới cho những diện tích lúa từ đoạn xi phông số 1 đến cuối kênh N2, nhiều người đã mang máy bơm đến các hồ trữ nước tự nhiên như: bầu Sấu, bầu Dài... và tận dụng kênh chính N2, nhánh N2-2 để dẫn nước ngược từ hồ trữ về ruộng. Gia đình ông Đoàn Anh Ngọc có 1,6 ha lúa ở cuối đoạn kênh N2, đều đặn cứ cách 5 ngày phải bơm nước từ bầu Dài ngược theo kênh chính N2 dẫn nước lên ruộng. Ông Ngọc bức xúc: "Cánh đồng Hố Kè được chia đôi bởi tỉnh lộ 12, nhưng phía bên đầu cống xả chính, hơn 20 ha lúa luôn trong tình trạng nước tràn bờ, rồi đổ xuống cầu Hố Kè theo mương tiêu chảy về cầu Cháy, thoát ra ngoài sông, suối. Trong khi đó, ở đoạn cuối kênh thì ruộng lúa đang phải chịu khô hạn".

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đại, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Krông Bông cho rằng: Chi nhánh đảm bảo mở cống xả chính đủ nước để người dân lấy về ruộng. Dựa vào kế hoạch điều tiết nước tưới, Chi nhánh đã lập ra lịch phân phối vụ nước, trong đó quy định rõ ngày để xả nước ở kênh N2, nhưng có thể do điều kiện, lý do nào đó, người dân đã không lấy nước, đến ngày hôm sau mới ra lấy nên không còn nước. Ông Đại lý giải thêm: Quy trình lấy nước phải theo nguyên tắc từ xa tới gần, nhưng người dân đã quen lấy từ đầu mối cống xả trở ra (từ gần tới xa) nên mới xảy ra tình trạng thiếu nước.

Cống xả chính đập Hố Kè (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông).
Cống xả chính đập Hố Kè (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông).

“Hiện tại, nước trong đập Hố Kè đang còn khoảng 883.241m3 (đo vào ngày 5-3), sẽ bảo đảm đủ nước tưới cho hơn 121 ha lúa đến gần hết vụ, chỉ một số diện tích ruộng cuối kênh N2 cần chống hạn nhưng cũng chỉ trong 20 ngày cuối vụ. Sau khi nhận được những thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã cử cán bộ địa bàn kiểm tra tình hình, điều tiết nước hợp lý, bảo đảm đủ nước tưới cho khu vực cuối đoạn kênh N2" - ông Đại khẳng định.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.