Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Cây trồng đối mặt với khô hạn

13:25, 28/03/2019

Vụ đông xuân 2018 – 2019, huyện M’Đrắk gieo trồng được 5.176,5 ha cây trồng các loại (đạt 100% kế hoạch.

Trong đó chủ yếu là lúa nước hơn 2.071,5 ha (chiếm trên 40% diện tích cây trồng vụ đông xuân), còn lại là ngô 650 ha, sắn 1.000 ha, mía 1.000 ha, đậu đỗ các loại 100 ha, cây trồng khác 355 ha. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có trên 2.141 ha cà phê và khoảng 815 ha hồ tiêu đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển nên nhu cầu nước tưới rất cao.

Trong khi đó, theo báo cáo của Trạm Khí tượng thủy văn M’Đrắk, tổng lượng mưa từ đầu năm 2019 đến nay chỉ đạt 143 mm, thấp hơn 2 mm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tháng 2, tháng 3 hầu như không có mưa. Vì vậy, lượng nước ở các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hiện đã xuống dưới ngưỡng tràn, nhiều công trình đã thiếu nước nghiêm trọng như: công trình hồ chứa Trái Bâu phục vụ nước tưới cho 35 ha lúa nước có mực nước thấp hơn cao trình ngưỡng tràn 2,1 m; các công trình Ea Bôi (xã Ea Trang), hồ Thôn 3 (xã Cư Mta), công trình buôn Ăk, công trình Krông Jing (xã Cư Mta), hồ Krông Á 2, hồ Thủy điện Ea Mđoal... mực nước thấp hơn cao trình ngưỡng tràn từ 0,7 – 2,4 m, gây khó khăn về nguồn nước tưới cho cây trồng. Toàn huyện đang có khoảng 200 ha cây trồng bị thiếu nước nghiêm trọng và sẽ có khoảng 400 ha cây trồng có nguy cơ mất mùa nếu thời gian tới không có mưa. Bên cạnh đó, nắng nóng đã gây khó khăn trong việc bón phân và phòng trừ bệnh cho cây trồng; đến nay, toàn huyện đã có 9,7 ha lúa nước bị sâu bệnh gây hại.

Người dân xã Ea Lai (huyện M'Đrắk) tìm nhiều cách để bảo đảm nước tưới cho cây trồng.
Người dân xã Ea Lai (huyện M'Đrắk) tìm nhiều cách để bảo đảm nước tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết: Để chủ động ứng phó với hạn hán, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, các đơn vị, địa phương và nông dân trên địa bàn huyện M’Đrắk đang ra sức thực hiện các phương án chống hạn cụ thể cho từng cánh đồng, từng loại cây trồng. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để ứng phó với khô hạn. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, đặt trạm bơm dã chiến, chuẩn bị máy bơm, thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng bơm chống hạn khi cần thiết; tu sửa các công trình thủy lợi; đồng thời, rà soát, cân đối nguồn nước thực tế ở các hồ, đập, nguồn nước ngầm để hướng dẫn, bố trí diện tích, cơ cấu cây trồng hợp lý, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường công tác quản lý, điều tiết nước hợp lý, tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm vì với thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay thì khó tránh khỏi tình trạng thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, huy động lực lượng lao động làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương dẫn nước, khắc phục những chỗ hư hỏng, hạn chế tình trạng thất thoát nguồn nước...

Theo thống kê, trên địa bàn huyện M’Đrắk hiện có 60 công trình thủy lợi (gồm 11 đập dâng và 49 hồ chứa), phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, trong đó phần lớn là lúa nước và cây cà phê. Để khắc phục tình trạng một số công trình thủy lợi đã xuống cấp, có biểu hiện thấm, nứt, lún đập, xói lở hạ lưu… ảnh hưởng đến khả năng tích nước và gây thất thoát nguồn nước, thời gian qua, Trung ương và tỉnh cũng đã hỗ trợ huyện M’Đrắk đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình như: Công trình hồ 2A (xã Ea Hmlay), công trình thủy lợi Krông Jing (xã Cư Mta), công trình Ea Rai (xã Cư San), Ea Bôi (xã Krông Jing), hồ đội 3 (xã Ea Mđoal)… Ngoài ra, huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nạo vét, sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi trọng điểm bị bồi lắng, xuống cấp như: nạo vét lòng hồ công trình Ea Má, Ea Tung Xây (xã Cư Mta); công trình Ea Ktung, Ea Mró (xã Krông Jing); sửa chữa công trình hồ đội 2B, hồ đập 36 (xã Ea Hmlay); công trình 725, đập C19 (xã Ea Riêng); hồ đội 3 (xã Ea Mđoal).

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.