Làm giàu từ cây quýt đường
Anh Phạm Đức Mạnh (SN 1995, ở thôn Đồi Đá, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) được biết đến là một bí thư chi đoàn trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết trong công tác Đoàn và là tấm gương điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Mạnh không đi theo con đường đại học như những thanh niên khác mà lại theo đuổi niềm đam mê... trồng trọt. Trước đây, nhà Mạnh có 3 ha đất chuyên trồng lúa và canh tác cây hoa màu. Tuy nhiên, vì thời tiết khô hạn, thiếu nước kéo dài nên đất bạc màu, cằn cỗi, cây trồng kém phát triển.
Không để lãng phí đất đai, Mạnh đã chủ động bỏ thời gian, công sức xuống miền Tây trực tiếp tham khảo các mô hình và kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái. Đầu năm 2014, anh mạnh dạn đầu tư 21 triệu đồng để mua giống quýt ở tỉnh Bến Tre với giá 15 nghìn đồng/cây về trồng. Cùng với đó, anh còn đầu tư hệ thống tưới tiêu, cải thiện độ tơi xốp và dinh dưỡng của đất để cây phát triển. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tế và qua sách, báo, Internet... sau 4 năm chăm bón, 1.400 cây quýt đường trong vườn đã cho anh thu hoạch hơn 30 tấn quả, thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Anh Phạm Đức Mạnh (bìa trái) trong vườn quýt đường của gia đình. |
Anh Mạnh chia sẻ: Quýt đường là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian đầu mới trồng, quýt thường mắc các loại sâu bệnh phổ biến như: Ký sinh trùng nhện đỏ, sâu vẽ bùa, vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ, nấm cổ trái, rệp xám... Nếu không chữa trị kịp thời, sâu bệnh sẽ lan ra cả vườn gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.
Ngoài quýt đường, hiện tại anh Mạnh còn trồng thử nghiệm thêm 500 cây táo xanh và nhãn, sầu riêng ghép. Nhờ siêng năng chăm chỉ cũng như biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn cây phát triển rất tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong thời gian tới. Hiện mô hình trồng cây ăn trái của Mạnh đang được nhiều người dân trong vùng đến tham quan học hỏi để nhân rộng, thay thế cho các loại cây hoa màu kém hiệu quả tại địa phương.
Duyên Mai
Ý kiến bạn đọc