Multimedia Đọc Báo in

Nan giải tình trạng dân di cư tự do ở Cư Kbang

12:08, 29/03/2019

Theo báo cáo của UBND xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), từ đầu năm 2019 đến nay đã có 11 hộ dân di cư tiếp tục vào địa bàn xã. Riêng trong tháng 3-2019, có 9 hộ với 45 khẩu người H’mông từ các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa di chuyển vào thôn 14, cụm 8, 9, 10 của xã. Hiện tại các hộ dân đã đăng ký lưu trú, tạm trú và mượn đất người thân để dựng nhà ở.

Trước thực trạng dân di cư vào địa bàn xã, đoàn công tác dân vận xã Cư Kbang đã đến nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động người dân quay trở về địa phương nhưng một số hộ dân đã cố ý lẩn tránh hoặc tìm nhiều cách để biện minh cho sự xuất hiện tại địa phương như lấy lý do đi thăm người thân, đi làm ăn. Nhưng qua nắm bắt tình hình của UBND xã, 100% các hộ dân di chuyển đến địa phương đã chuyển toàn bộ nhân khẩu vào nơi ở mới hoặc ở cùng nhà với người thân tại địa bàn xã; có nhiều hộ đã cắt khẩu, xin tạm vắng một thời gian dài tại những tỉnh phía Bắc. Đơn cử như anh Lầu Văn Chư đang lưu trú tại thôn 14, xã Cư Kbang, gia đình anh chuyển đến xã Cư Kbang từ trước Tết Nguyên đán năm 2019 với mục đích là đi làm và sau 2 năm sẽ quay về. Hiện tại gia đình anh có 8 khẩu, anh đã chuyển cả vợ con vào ở với người thân, làm các thủ tục lưu trú tại địa phương và đã hoàn tất việc xin cho những đứa con của mình theo học ở đây.

Dân di cư tự do đến làm xuất hiện tình trạng sang nhượng đất trái phép tại thôn 14, xã Cư Kbang.
Dân di cư tự do đến làm xuất hiện tình trạng sang nhượng đất trái phép tại thôn 14, xã Cư Kbang.

Theo thống kê của UBND xã Cư Kbang, lũy kế đến cuối năm 2018 có 273 hộ với 1.280 khẩu dân di cư vào địa bàn xã nhưng chưa được bố trí sắp xếp. Trước đó, xã đã có dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn theo chủ trương của các bộ, ngành, nhưng đến nay xã chỉ mới đủ quỹ đất, kinh phí ổn định cho 334 hộ dân vào trong năm 2008. Riêng với những hộ vào năm 2014, theo kế hoạch dự án tiếp nhận khoảng 400 đến 500 hộ dân vào tiểu khu 204, 207 và thành lập 3 cụm dân cư 8, 9, 10 nhưng thực tế đã tiếp nhận hơn 700 hộ và đến nay mới bố trí ổn định được khoảng 380 hộ, còn lại vẫn thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí thực hiện.

UBND xã Cư Kbang đã có kế hoạch, thông báo cho chính quyền các cấp; thành lập đoàn dân vận trực tiếp đến các hộ gia đình để vận động, tuyên truyền các hộ dân quay trở về địa phương, nhưng đến nay các hộ dân di cư vẫn không chịu quay về nơi ở cũ. Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã thông tin thêm, do hiện tại Luật Cư trú vẫn chưa có những quy định cụ thể hay chế tài xử lý trong từng trường hợp nhất định, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do nên đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân di cư tự do cũng như ngăn chặn tình trạng dân di cư vào địa bàn huyện.

Đức Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.