Multimedia Đọc Báo in

Thuốc lá điếu nhập lậu vẫn "nóng", vì sao?

09:05, 04/03/2019

Bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng, thuốc lá điếu nhập lậu vẫn được vận chuyển, bày bán trên thị trường tỉnh. Đặc biệt, dịp trong và sau Tết Nguyên đán vừa qua, thuốc lá điếu nhập lậu lại càng có cơ hội liên tục “tung” ra tiêu thụ.

Chỉ trong tháng 2-2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh thuốc lá và phát hiện cả 6 cơ sở này đều vi phạm về kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu. Theo đó, đã tịch thu 450 gói thuốc và xử phạt hành chính trên 46 triệu đồng. Gần đây, trên khâu vận chuyển, Công an TP. Buôn Ma Thuột cũng liên tiếp phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến thuốc lá điếu nhập lậu. Mới đây, ngày 18-2, tại khu vực đường Lê Duẩn (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) qua quá trình theo dõi, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Buôn Ma Thuột) đã phát hiện Mai Thị Huyền (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang có hành vi vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe máy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 500 bao thuốc lá Jet không có hóa đơn chứng từ. Huyền khai nhận mua số thuốc lá trên của một người lạ mang về bán kiếm lời thì bị cơ quan Công an phát hiện.

Thuốc lá điếu nhập lậu được cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, tịch thu.
Thuốc lá điếu nhập lậu được cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, tịch thu.

Trước đó không lâu, khoảng 9 giờ 30, ngày 14-2, tại khu vực Bến xe phía Nam, Đội Cảnh sát kinh tế cũng phát hiện Bùi Thị Thanh Thúy (khối 11, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đang có hành vi dùng xe máy vận chuyển 500 bao thuốc Jet và 300 bao thuốc Caraven ngoại nhập, không có hóa đơn chứng từ. Thúy khai nhận mua số thuốc lá trên của một người lạ mặt về để bán kiếm lời.

Trên thực tế, buôn lậu thuốc lá đang trở nên siêu lợi nhuận do “né” được 135% thuế nhập khẩu, 70% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 1,5% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Vì lợi nhuận cao nên gian thương bất chấp và tìm đủ mọi thủ đoạn để đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Theo thống kê, thuốc lá nhập lậu hiện đang chiếm khoảng 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục QLTT tỉnh, phương thức vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu hiện rất tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Trên khâu lưu thông, các đối tượng buôn lậu thuốc lá chủ yếu dùng xe tải, xe khách để vận chuyển, lợi dụng đêm tối, chia nhỏ thuốc lá lậu và cất giấu kỹ trong hầm xe, mui xe...  Thậm chí còn độ chế, thiết kế trong vách ngăn xe để qua mặt cơ quan chức năng. Tại những địa điểm kinh doanh cố định, đối tượng thường cất giấu trong kho hoặc phía sau quầy bán hàng, khi khách có nhu cầu mua mới đưa ra bán. Lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra thì họ thường thông báo cho nhau đóng cửa hàng, quầy hàng để đối phó.

Thuốc lá điếu nhập lậu được Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, tịch thu.
Thuốc lá điếu nhập lậu được Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, tịch thu.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ngày càng cao nên gian thương tìm mọi cách để buôn bán kiếm lời. Về phía người tiêu dùng, không ít người vẫn "hồn nhiên" mua mà không biết đó là hàng lậu và không hề hay biết là mình đang tiếp tay cho người bán vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, công tác đấu tranh với thuốc lá lậu ở địa phương gặp không ít khó khăn do các quy định còn nhiều "kẽ hở". Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2018, Luật số 12/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, quy định rõ: Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên ở nội địa sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tù thấp nhất đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên là 1 năm và mức cao nhất là 15 năm. Còn đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu thì mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 10 năm. Lợi dụng "kẽ hở" này, các đối tượng thường chia nhỏ số lượng và phần lớn các vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ đều ở mức dưới 1.500 bao. Với cách này, khi bị phát hiện, các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính cao nhất ở mức 100 triệu đồng và cho dù có bị phạt thì có thể… vẫn còn có lãi!

Theo nhận định của cơ quan chức năng, mặt hàng này chưa khi nào hết "nóng", phương thức, thủ đoạn vận chuyển cũng liên tục thay đổi, ngày càng tinh vi hơn. Để truy quét tận gốc, theo Cục QLTT, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng thì việc đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng ý thức người dân nói không với thuốc lá lậu là hết sức cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, Cục cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, kiên quyết xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, dù chỉ là một gói. Cơ quan này cũng khuyến cáo, về phía người sử dụng, ngoài những tác hại thông thường của mặt hàng thuốc thì do thuốc lá nhập lậu nên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, không cảnh báo về sức khỏe nên chưa thể nói trước về độ an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, Cục cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu, ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong việc xử lý vi phạm nhằm bịt những "kẽ hở", không để cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá lợi dụng.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.