Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức nông dân phát triển kinh tế

09:43, 21/03/2019
Là kênh tín dụng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ đã "tiếp sức” cho nhiều hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
 
Bà H’Tlui Mlô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho biết, để nguồn vốn Quỹ  HTND phát huy hiệu quả, trước khi đưa vốn về cho nông dân, Thị Hội thực hiện chặt chẽ theo quy chế, bảo đảm quy trình cho vay vốn như: tổ chức họp chi, tổ hội bình xét đối tượng được vay vốn; thẩm định các hộ đề nghị vay vốn; họp thành viên vay vốn; tổ chức giải ngân; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, giám sát… Do đó, nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đầu tư đúng mục đích. Các hộ vay trả phí và gốc đúng thời hạn, không có hiện tượng nợ quá hạn phải xử lý.
 
Ông Blăm KTlun (ở buôn Tring 2, phường An Lạc) chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.
Ông Blăm K'Tlun (ở buôn Tring 2, phường An Lạc) chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình.
Cùng với việc quản lý, khai thác tốt nguồn vốn từ Quỹ  HTND, trong năm 2018, Hội Nông dân thị xã chủ động liên kết với một số công ty phân bón giúp nông dân mua 394 tấn phân bón trả chậm với số tiền 1,2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 41 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.520 lượt người tham gia, mở 9 lớp dạy nghề thu hút 267 học viên là con em hội viên nông dân theo học…
 
Trước đây, ông Blăm K’Tlun (buôn Tring 2, phường An Lạc) chỉ trồng chuyên canh cây hồ tiêu, nhưng vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và giá cả không ổn định nên ông ấp ủ ý định chuyển hướng canh tác. Đầu năm 2018, với số vốn 40 triệu đồng được vay từ nguồn Quỹ  HTND, ông K’Tlun quyết định nhổ bỏ 8 sào hồ tiêu chết, cải tạo lại đất, đầu tư trồng một số loại cây ăn trái như: na, dừa, xoài, vải, cam, quýt, mãng cầu…
 
"Đầu năm 2018 đến nay, thị xã Buôn Hồ có 3 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND với số tiền giải ngân 800 triệu đồng cho 27 hộ vay phát triển kinh tế, trong đó có 1 dự án từ nguồn vốn cấp tỉnh, 2 dự án từ nguồn vốn thị xã. Các mô hình, dự án vay vốn đều bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương" - Bà H’Tlui Mlô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ.
 
 
 

Ông K’Tlun chia sẻ: “Nguồn vốn hỗ trợ tuy không lớn nhưng là động lực cho nông dân phát triển sản xuất, bởi bà con vừa được vay vốn, vừa được tham gia các lớp khuyến nông, tập huấn kỹ thuật để áp dụng phù hợp vào mô hình kinh tế nhà mình”. Với mô hình đa cây ăn trái đang sinh trưởng tốt, cuối năm nay sẽ cho thu bói.

Tương tự nhờ nguồn vốn 40 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, cộng thêm vốn có sẵn của gia đình, đầu năm 2018 ông Y Dhơn Duôn Du (buôn Tring 3, phường An Lạc) tiến hành cải tạo 7 sào cà phê đã già cỗi bằng cách nhổ bỏ, trồng mới 600 cây cà phê giống TR4 xen canh 400 trụ tiêu và 70 cây sầu riêng Dona. Để giúp gia đình ông Y Dhơn sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân thị xã tạo điều kiện cho ông tham gia lớp tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc cây trồng, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế một số nhà vườn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt cùng lợi thế đất đai, nguồn nước thuận lợi, hiện vườn cây của gia đình ông Y Dhơn phát triển tốt. Ông Y Dhơn dự định tiếp tục cải tạo vườn theo hướng xen canh phần diện tích 1,5 ha còn lại.  
 
Với vai trò “bà đỡ”, nguồn vốn Quỹ HTND của Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ đã tháo gỡ kịp thời một phần nhu cầu về vốn của hội viên nông dân. Việc hỗ trợ vốn gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp đã giúp không ít hộ nông hộ vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác từ Ngân hàng NN - PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững
 
Thùy Linh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.