Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình trồng cam ở Đray Sáp

09:10, 09/03/2019

Những năm gần đây, một số hộ nông dân ở xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) đã chủ động lựa chọn cây cam để thay thế những cây trồng kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp người dân ở đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Người đầu tiên mạnh dạn đem giống cây cam sành về trồng tại xã Đray Sáp là anh Nguyễn Hoài Nam (thôn Đray Sáp). Sau nhiều năm làm cà phê, điều không hiệu quả, anh Nam làm thêm nghề chạy xe đường dài để kiếm thêm thu nhập. Trong những lần chạy xe về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhận thấy giống cam sành ở đây mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên anh Nam đã nuôi ý tưởng đưa cây cam về phủ xanh rẫy của mình. Để thực hiện ý tưởng đó, anh đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và các vùng trồng cam trong tỉnh như: Buôn Đôn, Ea Kar… Năm 2016, anh Nam cải tạo lại 1,4 ha đất đồi của gia đình, vay mượn tiền từ họ hàng, người thân và mạnh dạn nhập 3.500 cây cam sành từ Bến Tre về trồng. Anh Nam chia sẻ, lúc mới đưa cam về trồng, mọi người ai cũng ái ngại, cho rằng anh không bình thường nhưng anh không nhụt chí mà càng cố gắng để thực hiện ý tưởng của mình. Năm 2018, vườn cam của anh Nam bắt đầu cho thu bói, trái to, đẹp, mọng nước, với sản lượng đạt 60 tấn. Với giá bán cho các thương lái là 10.000 đồng/kg, gia đình anh đã thu được hơn 600 triệu đồng từ vườn cam.

Cán bộ Hội Nông dân xã Đray Sáp (phải) đến tham quan mô hình trồng cam của anh Nguyễn Hoài Nam.
Cán bộ Hội Nông dân xã Đray Sáp (phải) đến tham quan mô hình trồng cam của anh Nguyễn Hoài Nam.

Từ mô hình của anh Nam, nhiều hộ dân trong thôn Đray Sáp đã học hỏi kinh nghiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam. Nhận thấy đất đai khí hậu ở địa phương rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây có múi, nhu cầu của thị trường cao và hiệu quả từ mô hình trồng cam, tháng 9-2018, Hội Nông dân xã Đray Sáp đã thành lập Tổ nghề nghiệp trồng cam, gồm 3 thành viên ở thôn Đray Sáp do anh Nguyễn Hoài Nam làm Tổ trưởng, với tổng diện tích 2,5 ha, chủ yếu trồng cam sành. Các thành viên trong Tổ nghề nghiệp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ nhau phát triển cây cam để mang lại hiệu quả tốt nhất. Theo ông Y Phen Niê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đray Sáp, tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn xã đã có trên 10 hộ chuyển đổi các vườn cà phê, tiêu kém năng suất sang trồng cây cam. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhằm hướng tới thành lập một hợp tác xã trồng cam.

Anh Nguyễn Hoài Nam đang chăm sóc vườn cam của mình.
Anh Nguyễn Hoài Nam đang chăm sóc vườn cam của mình.

Từ đó tập trung nguồn lực để tạo thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và giúp người dân vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân, đồng thời khuyến khích người dân trồng xen canh các loại cây, tránh chuyển đổi cây trồng ồ ạt.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.