Bên trong ly Cà phê đặc sản
Chưa khi nào, cụm từ “Cà phê đặc sản - Specialty Coffee” được nhắc đến nhiều như năm nay, đặc biệt là sau Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. Đây cũng là lễ hội đầu tiên, ngành cà phê bắt đầu nhận thức sâu sắc và xác định phát triển Cà phê đặc sản chính là cơ hội để nâng cao giá trị cho cà phê.
Trong chương trình trải nghiệm cùng Cà phê đặc sản vừa được tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Đức Minh, phụ trách sản xuất của HTX Ea Tân (huyện Krông Năng), chia sẻ: “Sau khi được Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk hỗ trợ, tập huấn về kỹ thuật, cam kết đầu ra cho sản phẩm, HTX bắt đầu thực hiện sản xuất cà phê đặc sản theo 3 phương pháp gồm: tự nhiên, chế biến ướt, bán ướt. Nguyên liệu được chuẩn hóa từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến. Việc phơi cũng phải để trên giá, phải hái trái chín mọng và xử lý lên men ngay trong 48 giờ đầu mới khơi dậy được tất cả mùi vị của hạt. Mỗi phương pháp lên men sẽ mang lại hương vị khác nhau. Đây là điểm khác biệt, không có ở phương pháp sản xuất cà phê thông thường. Thời gian chế biến vì vậy nó cũng khác nhau giữa các phương pháp”.
Chuyên gia hướng dẫn người dân và du khách cách thử nếm cà phê trong Chương trình giới thiệu Cà phê đặc sản tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. |
Thế mới thấy, để sản xuất Cà phê đặc sản người ta không chỉ quan tâm đến yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng, mà còn là những đòi hỏi khắt khe về quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến. Cho nên “Specialty Coffee” không đơn thuần là một loại cà phê nào đó có chất lượng tuyệt vời, mà bao hàm nhiều yếu tố trong suốt chuỗi cung ứng cà phê với đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật khiến cho mỗi thành viên trong chuỗi đều đóng vai trò quan trọng. Không những thế, giá trị mà nó mang lại không chỉ là một hương vị cà phê độc đáo, mà còn là chất lượng cuộc sống cho những ai tham gia vào chuỗi cung ứng đó, kể cả thiên nhiên, môi trường sống.
Theo ông Trần Phi Hùng, Trưởng bộ phận Quảng cáo của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (một trong những thành viên Ban giám khảo trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019), việc đánh giá chất lượng cà phê tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục của Tổ chức cà phê đặc sản quốc tế ban hành và được cộng đồng cà phê đặc sản thế giới công nhận. Để được công nhận là cà phê đặc sản, loại đó phải đạt 80 điểm trở lên theo thang điểm 100. Thang điểm này được xây dựng theo nhiều tiêu chí, trong đó có các yếu tố liên quan đến thổ nhưỡng, mùi hương, độ chua, ngọt, chất lượng hạt và phương thức rang xay.
Người dân và du khách trải nghiệm hoạt động thử nếm Cà phê đặc sản tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. |
Đi tiên phong trong lĩnh vực này, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã triển khai sản xuất cà phê “Fine Robusta Buôn Ma Thuột” theo các phương pháp chế biến khác nhau, với sản lượng hằng năm khoảng 30 tấn, sản lượng xuất khẩu khoảng 15 tấn, giá tăng thêm khoảng 40% so với giá thị trường. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Bằng việc chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị cà phê, doanh nghiệp đã từng bước khuyến khích các hộ nông dân kiên trì đi theo quy trình canh tác tôn trọng tối đa tự nhiên, một mặt vừa giúp họ vươn lên từ chính mảnh vườn của mình vừa bảo đảm tính bền vững trong khai thác các yếu tố về tự nhiên, môi trường vì một nền nông nghiệp hữu cơ. Con đường Cà phê đặc sản có lẽ cũng chính là để tạo ra một cộng đồng cùng chia sẻ nhận thức, tạo nên sự thay đổi, khuyến khích nhau cùng làm tốt hơn.
Trên thế giới, Cà phê đặc sản là một xu hướng, một cách làm và thưởng thức cà phê tinh hoa; còn ở Việt Nam, việc làm Cà phê đặc sản là cơ hội để xây dựng cung cách ứng xử với cà phê. Bởi ẩn sâu bên trong ly cà phê đặc sản, không chỉ là câu chuyện khô khan đong đếm được về mặt kinh tế mà còn là niềm đam mê, sự thành tâm và lòng kiên nhẫn của người làm ra nó. Trào lưu này giống như một điểm sáng, góp phần đưa thương hiệu cà phê Việt khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc