Multimedia Đọc Báo in

Định vị cho cây cà phê Đắk Lắk (Kỳ cuối)

09:23, 17/04/2019
[links(left)]
Cần những bước đi phù hợp
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, quan điểm chung là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch mà tập trung tái canh cà phê theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
 
Lộ trình đã định
 
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, diện tích cà phê Đắk Lắk ổn định khoảng 180.000 ha với sản lượng 430.000 - 450.000 tấn. Để thực hiện được điều đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát phân loại, xác định diện tích cà phê tái canh, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện có hiệu quả diện tích cà phê cần tái canh giai đoạn 2014 - 2020.
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, RFA, FLO. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 160.000 ha cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn trên. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều thị trường trên thế giới. Theo đó tăng cường, đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất cho các nông hộ làm cà phê theo hướng tích tụ đất đai, hình thành ngày càng nhiều hợp tác xã trong ngành cà phê dựa trên mối liên kết “bốn nhà” trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Ngoài sự nỗ lực của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số chính sách tái canh, thu mua, chế biến, tạm trữ, quảng bá và xây dựng thương hiệu… để hướng tới nền sản xuất cà phê đặc sản và bền vững.
 
Tái canh cà phê là then chốt
 
Đề án tập trung tái canh cà phê đã được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện trong gần 5 năm qua với sự tham gia đầy quyết tâm của các cấp, ngành, cơ quan đơn vị liên quan. Trong đó vai trò của người trực tiếp trồng cà phê được chú trọng đẩy mạnh nhằm từng bước quy hoạch vùng cà phê thích hợp.
 
Nông dân xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin phá bỏ cà phê già cỗi để tái canh.
Nông dân xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin phá bỏ cà phê già cỗi để tái canh.
Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị được giao trách nhiệm tập trung các nguồn lực nghiên cứu, lai tạo các giống cà phê mới có ưu điểm vượt trội như chống chịu khô hạn, dịch bệnh và cho năng suất, chất lượng cao để chuyển giao cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh thông qua các Trung tâm Khuyến nông mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn cà phê, sau đó nhân rộng ra trong đời sống sản xuất của người dân.
 
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Đến nay diện tích cà phê được tái canh gần 27.00 ha, đạt hơn 65% kế hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, tốc độ như vậy là chậm so với yêu cầu đặt ra - và hơn thế đề án tái canh cà phê Đắk Lắk đến năm 2020 có khả năng không hoàn thành so với kế hoạch (hơn 29.600 ha). Nguyên nhân chủ yếu ngoài nguồn vốn chưa được bố trí đầy đủ và kịp thời, thì vấn đề đáng nói nhất là giá cả cà phê trong những năm gần đây quá bấp bênh, hay nói đúng hơn là sụt giảm liên tục trên thị trường đã khiến người nông dân tỏ ra không mặn mà, thậm chí bỏ bê vườn cà phê, không chịu đầu tư tái canh. Tình trạng đó dẫn đến hệ quả xấu là làm gia tăng diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, chất lượng đáng báo động và dịch bệnh phát tán tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển cà phê đặc sản, bền vững của Đắk Lắk trong những năm tiếp theo.          
 
Báo cáo của Sở NN-PTNT tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2017 - 2018 vừa qua cho thấy, diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 24%, tương đương gần 25.000 ha và sẽ tiếp tục gia tăng thêm nếu như chủ trương tái canh cà phê ở đây không được đẩy nhanh và quan tâm đúng mức. Vì thế, hơn bao giờ hết phải coi việc tái canh cà phê là khâu then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó mặt hàng cà phê đóng vai trò, vị thế hết sức quan trọng trên vùng đất được xem là “Thủ phủ” cà phê Việt Nam.  
 
Đình Đối
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.