Giá nhiên liệu tăng cao: Các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng giá cước
Thời gian gần đây, giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng liên tục, tác động trực tiếp tới chi phí đầu vào. Do đó, một số doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh đã có sự điều chỉnh tăng giá vé để bảo đảm hoạt động kinh doanh.
Mặc dù vào ngày 17-5 vừa qua, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng trước đó, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5-2019, giá bán lẻ xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng mạnh ba lần liên tục khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Hiện giá xăng E5 RON 92 là 20.488 đồng/lít, xăng RON 95-III 21.599 đồng/lít, dầu diesel 0.05S là 17.614 đồng/lít, dầu hỏa 16.422 đồng/lít, dầu mazut 15.536 đồng/kg.
Phương tiện chờ lệnh xuất bến tại Bến xe liên tỉnh. |
Trong hoạt động vận tải, giá nhiên liệu chiếm từ 30 - 35% chi phí đầu vào. Do đó, việc xăng dầu tăng giá liên tục, buộc các DN phải điều chỉnh giá cước phù hợp. Tính đến giữa tháng 5-2019, nhiều DN vận tải trên địa bàn tỉnh đã gửi bảng kê khai điều chỉnh giá vé đến các sở, ngành liên quan. Theo đó, các DN kinh doanh vận tải bằng xe taxi như Mai Linh, Quyết Tiến, Sun… đều điều chỉnh giá mở cửa từ 5.000 đồng/0,6 km lên 10.000 đồng/0,6 km; km tiếp theo đến km 30 tăng từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng (đối với xe 4 chỗ ngồi), tăng từ 13.500 đồng lên 14.500 đồng (đối với xe 7 chỗ ngồi); từ 30 km trở lên tăng từ 8.500 đồng lên 10.000 đồng (xe 4 chỗ), từ 9.500 đồng lên 11.000 đồng (xe 7 chỗ ngồi)…
Việc điều chỉnh giá cước vận tải chỉ là bất đắc dĩ, nhất là đối với các hãng taxi, bởi ngoài việc phải báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước về thay đổi giá, các phương tiện taxi phải dừng hoạt động để thực hiện việc tháo niêm phong, kẹp chì đồng hồ để điều chỉnh và phải mời cơ quan đăng kiểm đến kiểm định đồng hồ tính cước. Cùng với đó, toàn bộ đề can về bảng giá niêm yết trên thành xe cũng phải thay thế…; các chi phí này DN phải bỏ ra (nếu phương tiện của DN), chủ xe phải bỏ ra đối với xe gia đình. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao thì việc kinh doanh chỉ đủ hòa chi phí, chứ chưa tính đến công tài xế. Trong trường hợp các tài xế điều khiển xe gia đình mà không phải vay vốn ngân hàng, thì may ra chạy để lấy công làm lãi.
Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh cũng điều chỉnh tăng giá vé từ 3% đến 25%. Đơn cử như tại HTX Quyết Thắng (huyện Krông Pắc) đối với vé theo tháng tăng lên mỗi chặng 30.000 đến 50.000 đồng. Cụ thể, từ 1 đến 15 km tăng từ 370.000 lên 400.000 đồng/tháng, từ 930.000 đến 960.000 đồng/tháng (chiều dài tuyến từ 71 đến 100 km); đối với vé lượt áp dụng từ 0 đến 10 km tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt, từ 26 km đến 40 km tăng từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/lượt. Tương tự các tuyến xe buýt từ Buôn Ma Thuột đi tỉnh khác cũng có mức điều chỉnh giá vé tăng thêm từ 20 đến 40.000 đồng đối với vé lượt và vé tháng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 104 DN kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Trong đó, vận tải hành khách có 48 DN, với 255 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội tỉnh. |
Theo phân tích của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sun taxi tại Đắk Lắk, đơn vị kê khai điều chỉnh giá cước thời điểm cuối cùng gần đây nhất vào ngày 22-3-2016, lúc giá xăng RON 92 là 14.700 đồng/lít. Qua các lần điều chỉnh, đến ngày 9-5-2019, giá xăng đạt mốc 21.090 đồng/lít, tăng 6.390 đồng/lít (tương đương 43,4%). Cũng theo các DN vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, ngoài giá nhiên liệu, còn có những nguyên nhân dẫn đến biến động giá cước như: tiền lương người lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Chưa kể, một số phương tiện ngoài, trong đó đáng chú ý loại hình xe gia đình 7 chỗ, xe "dù" loại 16 chỗ ngồi, taxi trá hình hoạt động rầm rộ trên các tuyến đường, đưa, đón khách tại các trạm xe buýt, cây xăng và các cơ quan, đơn vị ảnh hưởng đến hệ số sử dụng ghế và doanh thu trên các tuyến, nhất là đối với loại hình xe buýt.
Tài xế taxi trả khách trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Riêng xe khách đường dài, tính đến cuối tháng 5-2019, hầu hết chưa có sự điều chỉnh về giá cước nhằm mục đích “giữ” khách. Thêm vào đó, việc giữ giá hiện nay đối với loại hình vận tải này nhằm tăng sức cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá nhiên liệu tiếp tục điều chỉnh tăng lên thì các DN sẽ tính toán và cân đối để bảo đảm hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Rõ ràng, việc điều chỉnh tăng giá cước vận tải là điều không mong muốn của các DN vận tải. Bởi thực tế hiện nay, dịch vụ vận tải công nghệ (mô tô Grab, taxi Grab) đang hoạt động khá mạnh trên địa bàn tỉnh, với giá linh hoạt (theo thỏa thuận), thêm vào đó là các đợt khuyến mãi của hàng không giá rẻ... nên vận tải bằng ô tô sẽ rất khó cạnh tranh.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc