Multimedia Đọc Báo in

"Loạn" thị trường bất động sản (Kỳ 2)

09:03, 07/05/2019

 

[links(left)]

Kỳ 2: “Cò” đất làm loạn thị trường

Trong cơn “sốt” nhà, đất, nghề môi giới bất động sản (BĐS), nhiều người hay gọi nôm na là “cò” đất trở nên vô cùng hấp dẫn với rất nhiều người. Ai cũng có thể làm “cò” đất, các công ty môi giới BĐS cũng mở ra nhan nhản, từ đó thao túng thị trường nhà đất.

Buôn đất - nghề "hot"

Sau một cuộc điện thoại để xin vào làm nhân viên kinh doanh tại một công ty BĐS vừa thành lập, ngay ngày hôm sau chúng tôi được hẹn gặp để phỏng vấn. Giám đốc công ty trực tiếp phỏng vấn, nhưng chẳng hỏi han, yêu cầu gì về học lực, kinh nghiệm mà đơn giản chỉ là làm "công tác tư tưởng": “Làm môi giới BĐS cực lắm đó, đi nhiều em chịu được không?”, “Cực nhưng chăm chỉ thì bù lại là kiếm được nhiều tiền”...  Chúng tôi khẳng định có thể đáp ứng yêu cầu công việc và thế là... được nhận vào công ty. Ở đây, nhân viên sẽ được hưởng tiền hỗ trợ thử việc 1 triệu đồng/tháng, sau 2 tháng, tiền hỗ trợ sẽ tăng thêm 500 nghìn đồng và sau đó thì tùy năng lực và khả năng đóng góp để trả lương. Bên cạnh đó, công ty ra điều kiện sau 2 tháng làm việc mà không bán được lô đất nào thì sẽ bị cắt số tiền hỗ trợ này, nhưng vẫn được tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, có một số công ty sẽ không trả lương cho nhân viên, bởi vì nhà môi giới đất hầu như không sống nhờ lương mà thu nhập cao chủ yếu là nhờ tiền hoa hồng mua, bán đất và các khoản khác.

"Cò" đất hoạt động nhộn nhịp ở nhiều nơi, thao túng thị trường bất động sản.

Vì thu nhập cao, môi giới đất trở thành một nghề vô cùng hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng. Đơn cử như trường hợp của chị N.T.T.V, ra trường đã lâu nhưng không xin được việc, chị quyết định xin vào làm nhân viên cho một công ty BĐS tại TP. Buôn Ma Thuột. Mới vào nghề được 8 tháng, nhưng thu nhập hằng tháng của chị đã hơn 20 triệu đồng. Chị V. cho biết, một người làm môi giới đất chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thì thu nhập trung bình 40 – 50 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này có được từ tiền hoa hồng bán sản phẩm, tìm nguồn và tiền chênh lệch giá.

Để thành công, đòi hỏi người làm môi giới BĐS phải có nhiều kỹ năng, đặc biệt là “kỹ năng thương lượng”. Cụ thể, nhân viên môi giới phải học cách tiếp cận người bán, nhà đầu tư, tìm hiểu giá thị trường, thỏa thuận, chốt giá. Có một nguyên tắc bất thành văn trong nghề này là phải tôn trọng người tìm được nguồn trước và khi sản phẩm đã là của công ty thì không mang ra bán ngoài, tuyệt đối không được chia sẻ với người khác. Ngoài tìm nguồn cho công ty, nhà môi giới có kinh nghiệm thường được chủ đất gửi đất nhờ bán, đây là nguồn riêng của họ và khi có những sản phẩm đẹp, họ sẽ trở thành nhà đầu tư, ngay lập tức mua và chờ đất lên giá để bán, thu lợi nhuận "khủng". Còn nếu không có đủ khả năng “ôm”, họ sẽ giới thiệu về công ty để mua đầu tư và hưởng một phần lợi nhuận… Bên cạnh đó, những nguồn sản phẩm riêng thì không phải khi nào họ cũng đưa khách hàng đến xem mà sẵn sàng lấy lý do để người mua, người bán phải chờ, thấy cần họ nhằm tăng - giảm giá theo ý muốn.

Thu nhập cao, ai cũng có thể làm, nhưng môi giới BĐS cũng là nghề rất áp lực, cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh lực lượng môi giới của các doanh nghiệp BĐS, còn có những người làm môi giới đất tự do. Thực tế, nhiều người rao giá quá cao so với thị trường, thông tin mập mờ, cạnh tranh không lành mạnh, làm ăn theo kiểu chụp giật. Vì vậy mà lâu nay người ta hay gọi là “cò” đất với hàm ý không thiện cảm.

Thao túng thị trường, “lướt sóng” và kiếm lời

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, trong đó, ngoài những doanh nghiệp địa phương còn nhiều cá nhân từ TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng đến mở công ty, chi nhánh. Những doanh nghiệp này thường có sự hợp tác của các luật sư, cán bộ các sở, ngành. Họ tiếp cận rất nhanh chóng thông tin về quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn để đón đầu. Giới kinh doanh nhà, đất tận dụng điều này để tạo những cơn "sốt", đẩy giá lên cao, đồng thời tạo vòng xoáy, cuốn người mua vào theo. Thậm chí, một số người còn thông tin sắp tách xã Cư Êbur, phường Khánh Xuân để thành lập xã, phường mới nhằm "thổi" giá đất.

Thị trường bất động sản lên cơn
Thị trường bất động sản lên cơn "sốt", đất rẫy của một người dân phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột có giá tiền tỷ.

Bên cạnh tìm nguồn, nhận ký gửi bán và hưởng hoa hồng từ người bán, đầu tư “lướt sóng” là một dạng đầu tư lợi nhuận phổ biến trong giới kinh doanh BĐS thời điểm này. Với hình thức này, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền trị giá từ 5-10%, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với giá trị thực của 1 lô đất, căn nhà để giữ chỗ. Sau khi thỏa thuận giữ chỗ thành công, nhà đầu tư bắt đầu rao bán để hưởng giá chênh lệch. Số tiền chênh lệch này có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tùy giá trị sản phẩm. Với mức lợi nhuận "khủng" đó, nhiều công ty BĐS, “cò” đất đã “ôm” cho mình rất nhiều sản phẩm đất, nhà từ trung tâm đến vùng ven TP. Buôn Ma Thuột. Bởi vậy, đa số các sản phẩm nhà, đất rao bán trên thị trường đều đã nằm trong tay “cò”.

Thông thường, mức hoa hồng người bán nhà đất phải trả cho công ty BĐS, môi giới như sau: dưới 500 triệu đồng là 10 triệu đồng, trên 500 triệu đồng là 15 triệu đồng, trên 1 tỷ là 20 triệu đồng... hoặc cao hơn tùy người bán. Hoa hồng thu được, các công ty BĐS phân chia theo tỷ lệ: nguồn (người tìm ra sản phẩm): 30%, công ty: 25%, người bán thành công 45%).

Các “cò” tự do cũng “lướt sóng” theo hình thức như trên. Họ chốt giá, đặt cọc tiền và thỏa thuận kéo dài thời gian chồng tiền để tìm người bán lại. Nếu không bán được giá cao hơn, họ chấp nhận mất tiền đặt cọc. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xảy ra. Qua thâm nhập thực tế, chúng tôi tiếp cận với anh N.V.V., một “cò” đất lâu năm ở TP. Buôn Ma Thuột. Hiện tại, trong tay anh này đang giữ chỗ khoảng 10 lô đất, mỗi lô giá 500 triệu đến 1 tỷ đồng và nhiều căn nhà giá dao động từ 1 đến hơn 2 tỷ đồng. Một “cò” khác tên T.V.V tiết lộ, mỗi lô đất đã chốt giá, đặt cọc nhưng có người mua cao hơn thì sẽ bán luôn, hưởng chênh lệch tối thiểu 10 triệu đồng trong vòng 1 ngày, thậm chí 1 giờ. Bên cạnh đó, các “cò” thường hoạt động theo nhóm 3-5 người là anh em, bạn bè gần gũi, khi tìm được nguồn thì cùng rao bán và chia tiền lời. Để "thổi" giá, các thành viên trong nhóm thay nhau hỏi mua theo mức giá tăng dần rồi đăng thông tin gây “sốt”, đến khi giá phù hợp và có lợi thì bán lại. Đối với nhà ở, các “cò” sẽ tìm cách để mua giá thấp, rồi sơn sửa qua loa và bán lại với giá cao hơn nhiều.

Ngoài hình thức đầu tư “lướt sóng”, một số nhà đầu cơ sẵn sàng bỏ tiền để mua đất nông nghiệp diện tích lớn, làm thủ tục hiến đất làm đường, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở để phân lô, bán nền. Theo tiết lộ của giới kinh doanh BĐS, họ thường chọn những mảnh đất ở vùng ven thành phố, do không mất nhiều tiền làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, sang nhượng và ít “dính” quy hoạch. Để lấy lòng tin của người mua, nhiều người thường giới thiệu đất là của một người công tác ở sở, ngành nào đó bán lại hoặc nhận “lo” các thủ tục pháp lý.

(Còn nữa)

Hoàng Minh Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.