Multimedia Đọc Báo in

Để hàng Việt làm chủ "sân nhà": Doanh nghiệp đi tiên phong

08:52, 11/06/2019

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và sự hưởng ứng của người dân thì các doanh nghiệp (DN) của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm hàng Việt chất lượng, xúc tiến việc tiêu dùng hàng nội trên địa bàn.

Những năm gần đây, sản phẩm của DN nội đang từng bước khẳng định chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình. Trên địa bàn Đắk Lắk cũng không thiếu những DN tên tuổi, có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như cà phê An Thái, thép Đông Nam Á, bơm chìm Đăng Phong, bia Sài Gòn...

Để hàng Việt được người tiêu dùng đón nhận, trước hết bản thân DN phải đóng vai trò tiên phong. Đó là cung ứng sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Chính những nỗ lực của DN đã giúp hàng Việt trở thành lựa chọn "đương nhiên" của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái nhìn nhận, người tiêu dùng đã loại bỏ dần tâm lý sính ngoại so với trước và có xu hướng ưu tiên dùng hàng Việt. Song họ ngày càng tinh tế hơn trong cách chọn mua sản phẩm, thương hiệu. Điều này đã tạo "áp lực" để DN tự đổi mới mình.

Là DN trong lĩnh lực chế biến sâu sản phẩm cà phê, An Thái nỗ lực duy trì, phát triển các sản phẩm thuần Việt trên cơ sở khai thác tốt nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương. Cùng với đó là việc liên kết phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, DN cũng đẩy mạnh việc đưa cà phê bột do mình sản xuất có mặt tại các kênh phân phối hiện đại ở thị trường nội địa như: Vinmart, LOTTE Mart... Nhờ đó, sản phẩm An Thái không chỉ khẳng định chỗ đứng ở trong nước mà có khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường quốc tế.

Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á.
Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á.

Là DN lớn chuyên sản xuất phôi thép và thép xây dựng, Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á đặt tiêu chí “Chất lượng sản phẩm là trên hết”. Theo ông Hồ Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty, để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ nhiều năm qua, đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, sản xuất theo tiêu chuẩn 1651-1:2008, TCVN 1651-1:2008, TCVN 1651-2:2018 JIS 3505... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của ngành xây dựng.

Không ngừng nâng cao chất lượng, từ tháng 9-2018, Công ty thực hiện đầu tư mở rộng quy mô và mới đây đã đưa vào hoạt động dự án hiện đại hóa, nâng công suất nhà máy luyện cán thép từ 250.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm. Trong tháng 5-2019, đơn vị nghiên cứu và sản xuất thành công dòng sản phẩm chất lượng cao thép phi 6 SWRM 12 và thép phi 8 SWRM 12. Đến nay, sản phẩm của DN đã cung ứng rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang các nước Philippin, Thái Lan, Sri Lanka, Lào, Campuchia... Đặc biệt, sản phẩm thép cuộn tròn trơn và thép thanh vằn chất lượng cao của đơn vị được khá đông thị trường ưa chuộng.

Để hàng Việt có chỗ đứng và làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng Việt thì dĩ nhiên, sản phẩm phải tốt, giá thành phải phù hợp. Tính đến nay, sản phẩm bia Sài Gòn do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung sản xuất đã chiếm lĩnh trên 80% thị phần bia tại khu vực Tây Nguyên. Hằng năm, Công ty cung ứng ra thị trường hơn 200 triệu lít sản phẩm gồm bia Sài Gòn, nước uống đóng chai, sữa bắp, sữa gạo, rượu chuối hột rừng… từ nguồn nguyên liệu địa phương. Tất cả sản phẩm được sản xuất trên những dây chuyền tự động, công nghệ cao, quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, khắt khe với mục tiêu cao nhất là ngon, an toàn và bảo đảm sức khỏe cho người dùng.

Phân xưởng sản xuất cà phê bột xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.
Phân xưởng sản xuất cà phê bột xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Có thể nói, xuất phát từ việc DN sản xuất kinh doanh có trách nhiệm, hướng đến quyền lợi người tiêu dùng, nỗ lực cho ra đời sản phẩm tốt, giá hợp lý, nhiều thương hiệu Việt đã khẳng định mình trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng DN hiện nay là sản phẩm của họ liên tục bị làm giả, làm nhái khiến họ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí điêu đứng vì phải tự bảo vệ thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh với vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng đang làm “nhiễu” thị trường để bảo vệ nền sản xuất, bảo vệ DN làm ăn chân chính. Có như vậy, hàng nội mới thật sự chiếm lĩnh lòng tin và có vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, nhiều sản phẩm của DN Việt nói chung và DN của tỉnh nói riêng đã chinh phục được người tiêu dùng. Hiện nay có khoảng 90% sản phẩm hàng hóa xuất xứ Việt Nam bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh và có trên 85% người dân chọn mua hàng Việt tại các hệ thống phân phối này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc