Multimedia Đọc Báo in

Giải bài toán kết nối tiêu thụ nông sản địa phương

09:52, 06/06/2019

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hàng hóa của địa phương, Đắk Lắk đã tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), nhà phân phối của địa phương với các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, tăng cường giao kết với các địa phương đang thiếu những sản phẩm đặc thù của nhau để kích cầu tiêu thụ đặc sản vùng miền.

Gần đây nhất là việc tổ chức hàng loạt Hội nghị kết nối giao thương với các tỉnh, thành như: Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh... với sự tham gia của nhiều nhà cung ứng là cơ sở sản xuất, HTX, DN để tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh. Theo đó, Đắk Lắk có các sản phẩm thế mạnh gồm: cà phê bột, trà mãng cầu, rượu cần, ca cao, cốm nghệ, mắc ca, bơ, mật ong, tinh bột nghệ... Phía Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu có các sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước như tôm, cá khô, bánh phồng tôm, thuỷ hải sản chế biến sẵn, muối, bánh pía...

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh lại là thị trường rộng lớn, quy tụ nhiều nhà phân phối, bán lẻ hiện đại. Trên cơ sở sản phẩm khác biệt đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho các DN cũng như định hướng sản xuất, phân phối hàng hóa, tăng cường kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm với những tỉnh, thành trong cả nước. Từ đây, các DN, nhà phân phối đã tiến hành trao đổi, khảo sát về sản phẩm cũng như lấy thông tin để kết nối, lên kế hoạch hợp tác, khai thác hiệu quả những sản phẩm thế mạnh địa phương.

Doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu thông tin về sản phẩm cà phê bột của Đắk Lắk.
Doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm hiểu thông tin về sản phẩm cà phê bột của Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, thịt nguội, gà hun khói... do DN làm ra là sản phẩm đã khẳng định chất lượng trên thị trường, đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chỉ tiếp cận được với người tiêu dùng Đắk Lắk thông qua những đợt DN chủ động mang hàng tham gia hội chợ, triển lãm. Do đó, tham gia Hội nghị kết nối giao thương với Đắk Lắk, ông sẽ kết nối với nhà phân phối ở địa phương để mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng Đắk Lắk, lược bỏ nhiều khâu trung gian nhằm bảo đảm lợi ích cho cả bên sản xuất lẫn tiêu dùng.

Các DN của tỉnh cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Cà phê bột Trung Hòa, cà phê Phượng, ca cao Nam Trường Sơn... bên cạnh việc đầu tư chất lượng, mẫu mã bao bì cũng đã trao đổi thông tin nhằm kết nối, đưa sản phẩm mang thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, ca cao Đắk Lắk có mặt  tại Cà Mau, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh. Tương tự, Cốm nghệ Huvahi, trà thảo mộc Xuân Sơn, HTX bơ Đại Hùng... cũng đã gặp gỡ và hợp tác với DN tỉnh bạn để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm. Từ đó giúp người tiêu dùng địa phương tìm thấy sản phẩm an toàn, chất lượng nhưng giá hợp lý. Hiệu quả mang lại sẽ thiết thực hơn cho cả người sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bạc Liêu tìm hiểu thông tin về sản phẩm của nhau.
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Bạc Liêu tìm hiểu thông tin về sản phẩm của nhau.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Kim Loan cho hay, nhu cầu tiêu thụ cà phê bột ở Bạc Liêu rất phổ biến và bà đánh giá cao về chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột. Vấn đề ở chỗ, hiện người tiêu dùng Bạc Liêu vẫn như lạc vào “ma trận” thị trường cà phê bột, đa số cửa hàng ở Bạc Liêu vẫn chưa tìm thấy được nhiều thương hiệu có uy tín của Đắk Lắk để phân phối. Với vai trò của mình, Trung tâm xúc tiến thương mại Bạc Liêu sẽ hỗ trợ DN tiếp cận, quảng bá hình ảnh, thương hiệu để đưa thêm nhiều sản phẩm cà phê bột của Đắk Lắk “định hình” thương hiệu và phục vụ người tiêu dùng ở Bạc Liêu.

Trao đổi về việc làm sao để sản phẩm của DN, HTX đưa vào phân phối tại các hệ thống phân phối hiện đại, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, cần đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết giữa cơ quan chức năng liên quan cũng như DN, HTX hai địa phương. Quan trọng hơn, cần hướng dẫn DN, HTX, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chí canh tác bền vững, sản xuất có chứng nhận như VietGAP, ISO...  Nếu làm được điều này thì sản phẩm dễ dàng có mặt tại các kênh phân phối lớn, hiệu đại, từ đó cơ hội để người tiêu dùng biết đến sẽ nhiều hơn. Thời gian đến, ngành Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện, chủ động đăng tải thông tin quảng bá, hỗ trợ để DN, HTX của Đắk Lắk phát triển thị trường, đưa hàng hóa chất lượng có mặt tại thành phố, kích cầu tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Bước đầu trong tháng 5, thông qua việc tổ chức các hội nghị, đã có hơn 50 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các DN, HTX, nhà phân phối của Đắk Lắk với các tỉnh, thành thỏa thuận kết nối, trao đổi hàng hóa và tiến tới ký kết hợp đồng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, hoạt động kết nối cung cầu đã hướng DN đến phương thức kinh doanh bền vững, đa dạng hóa thị trường, thiết thực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngành Công thương tỉnh luôn hỗ trợ, định hướng DN sản xuất “bán cái đối tác cần", thúc đẩy tiêu thụ để trực tiếp đưa những sản phẩm chất lượng của Đắk Lắk có mặt trên thị trường của các tỉnh, thành trong cả nước.

 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.