Ngăn chặn sự lây lan của dịch tả heo châu Phi: Siết chặt khâu kiểm soát giết mổ
Trong hàng loạt giải pháp ngăn chặn sự lây nhiễm, phát tán dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, việc siết chặt kiểm soát giết mổ được xem là một "mắt xích" quan trọng để phòng chống dịch và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Kiểm soát 24/24 giờ
TP. Buôn Ma Thuột là địa phương phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại Đắk Lắk, đến nay đã có 4 ổ dịch, với 82 heo mắc bệnh và tiêu hủy. Trong khi đó, thành phố có tổng đàn khá lớn, với 120 nghìn con, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô trang trại tại các khu vực vùng ven. Chính vì vậy việc kiểm soát dịch bệnh để tránh lây lan ra diện rộng là việc làm cấp bách mà địa phương đang triển khai, trong đó việc kiểm soát khâu giết mổ được đặc biệt chú trọng. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y, thành phố hiện có 7 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang duy trì hoạt động, hằng ngày Trạm đã bố trí nhân lực, tăng cường kiểm soát khâu giết mổ.
Cơ sở giết mổ gia súc của ông Nguyễn Duy Do (xã Cư Êbur) có diện tích 7 ha, với 3 ha xây dựng chuồng trại, sân bãi phục vụ công tác giết mổ, 4 ha dành cho việc xử lý nước thải và các hoạt động phát sinh khác. Ở lối ra vào lò mổ, ông Do bố trí hố nước vôi và thuốc khử trùng, bảo đảm mỗi phương tiện qua lại đều phải lăn đủ ít nhất một vòng bánh xe qua hỗn hợp này. Sau khi “xuống” heo, các phương tiện còn được phun thuốc tiêu độc khử trùng một lần nữa mới được rời lò. Hiện người tiêu dùng vẫn đang có tâm lý lo ngại về dịch bệnh nên lượng heo giết mổ hằng ngày tại lò giảm hơn 20%, còn khoảng 70 con/đêm.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng phương tiện chở heo vào cơ sở giết mổ tập trung ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Nguyễn Văn Tho, cán bộ thú y xã Cư Êbur kiêm phụ trách công tác kiểm soát giết mổ cho biết, quy trình kiểm soát được thực hiện qua 3 giai đoạn: trước, trong và sau khi giết mổ. Tại đây, các chủ giết mổ gia súc phải nhập heo trong khoảng thời gian từ 15 - 18 giờ hằng ngày, xuất trình chứng từ hợp lệ thể hiện xuất xứ và kiểm dịch tại nguồn. Cán bộ kiểm soát sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe bước đầu của heo và tiếp tục theo dõi tại các ô chuồng từ khi nhập heo cho đến khi giết mổ. Thời gian giết mổ tập trung từ 1 - 4 giờ sáng, heo tiếp tục được kiểm tra kỹ da, thịt, đầu, phủ tạng, bảo đảm không có yếu tố bất thường mới được đóng dấu và cấp phiếu kiểm dịch.
Tại huyện Ea Kar, công tác kiểm soát giết mổ cũng được tăng cường khi ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở thị trấn Ea Knốp, với 79 con heo rừng lai bị nhiễm bệnh và tiêu hủy. Ông Hoàng Công Nhiên, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y cho biết, hoạt động kiểm soát giết mổ chủ yếu do Trạm phối hợp với nhân viên thú y cấp xã thực hiện. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn cắt cử người cùng với cán bộ thú y tăng cường lực lượng siết chặt việc kiểm soát giết mổ ở mọi thời điểm tại các cơ sở tập trung và điểm nhỏ lẻ. Qua kiểm tra, về cơ bản, các cơ sở giết mổ đều thiết lập được những vùng kiểm soát, vùng an toàn. Toàn bộ số heo vào lò mổ mỗi đêm đều qua kiểm dịch thú y nghiêm ngặt và cương quyết không nhập heo không có nguồn gốc rõ ràng.
Cần có giải pháp đối với các điểm giết mổ “chui”
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, việc siết chặt khâu kiểm soát giết mổ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện kiểm soát giết mổ ở các điểm nhỏ lẻ đang là một khó khăn đối với lực lượng thú y.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, thách thức lớn của công tác kiểm soát giết mổ hiện nay là vẫn còn một số điểm giết mổ “chui”, hoạt động không phép nằm rải rác ở một số xã, phường, tạo lỗ hổng cho các sản phẩm thịt heo không bảo đảm điều kiện an toàn “tuồn” ra thị trường. Trong khi đó, Trạm không có chức năng kiểm tra tại các chợ, công tác kiểm tra phụ thuộc vào đoàn liên ngành do thành phố tổ chức nên khó phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt heo chưa qua kiểm soát. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kiểm soát giết mổ đều là cán bộ thú y xã, phường với khối lượng công việc nhiều, thời gian dài nên rất vất vả. Cán bộ của Trạm phải luân phiên xuống lò mổ 3 – 4 đêm/tuần để hỗ trợ công tác kiểm soát giết mổ trong các đợt xảy ra dịch bệnh.
Lực lượng thú y kiểm tra đàn heo trước khi đưa vào lò mổ. |
Tương tự, trên địa bàn huyện Ea Kar chỉ có một lò mổ tập trung (tại xã Ea Tyh), nhưng có tới 39 điểm giết mổ quy mô nhỏ lẻ, phân tán tại các hộ gia đình. Tình trạng này làm cho công tác kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn và tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay phần lớn các huyện, thị xã, thành phố đã có các cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên hiện chỉ có 30 cơ sở hoạt động. Trong khi đó, giết mổ nhỏ lẻ tại hộ gia đình đang chiếm phần lớn, với 232 điểm giết mổ có kiểm soát. Ngoài ra, còn khá nhiều hộ tham gia giết mổ nằm rải rác, chưa kiểm soát được.
Từ nhiều năm nay, Đắk Lắk đã có quy hoạch các khu giết mổ tập trung, đây được coi là giải pháp quan trọng trong việc “xóa” các điểm giết mổ nhỏ lẻ; tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát thú y trước và sau khi giết mổ, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi... Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giải quyết triệt để được các điểm giết mổ “chui”. Do đó, để hạn chế bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan qua việc giết mổ, giải pháp trước mắt là tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc ở các điểm nhỏ lẻ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; khuyến cáo người tiêu dùng khi mua, bán, sử dụng sản phẩm động vật phải có nguồn gốc, có dấu thú y.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tính đến ngày 23-6, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 61 hộ, thuộc 16 thôn/buôn, 6 xã/phường, 3 huyện, thành phố (các huyện Ea Súp, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột). Tổng số heo mắc bệnh là 816 con; số heo chết và tiêu hủy 816 con. Tổng số trọng lượng tiêu hủy 31.150 kg. |
Minh Thuận - Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc