Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư Đrăm chủ động thay thế diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh

08:53, 11/06/2019

Trong những năm qua, hồ tiêu là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2017, trên địa bàn xã Cư Đrăm và một số địa phương lân cận xảy ra dịch bệnh, khiến 102/120 ha hồ tiêu trên địa bàn bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 80 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn. Trước tình hình đó, bà con nông dân xã Cư Đrăm đã chủ động phá bỏ, chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nặng sang trồng một số loại cây khác.

Cây trồng được bà con chuyển đổi, thay thế nhiều nhất là cà phê, dứa, sầu riêng, vải. Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) có gần 2 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt vào năm 2017. Thấy các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, dứa cho thu nhập cao, gia đình ông Hoành quyết định phá bỏ hết tiêu để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, 2 ha vườn của ông đã được trồng dứa, trồng xen 300 cây sầu riêng, 150 cây vải, 40 cây nhãn, 40 cây na, 200 cây cau, 30 cây bơ, 20 cây táo… Gia đình con trai và con gái của ông cũng đã phá diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh để trồng dứa và trồng xen hơn 300 cây ăn quả các loại.

Ông Hoành chia sẻ: “Gia đình có hơn 10 cây sầu riêng đã cho thu hoạch được vài năm. Thấy sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác mang lại thu nhập khá cao nên gia đình quyết định không trồng lại hồ tiêu mà trồng cây ăn quả”. Gia đình ông Trần Hữu Thơ (thôn 2) trước đây nổi tiếng với vườn hồ tiêu 1.600 trụ đẹp, năng suất (vào thời điểm giá cao, mỗi năm vườn tiêu mang lại cho gia đình khoản lãi gần 1 tỷ đồng). Năm 2012, ông Thơ tiếp tục đầu tư trồng mới 1.600 trụ hồ tiêu. Đến năm 2017, vườn tiêu của gia đình ông bị bệnh, chết gần hết. Xót xa nhưng ông Thơ chỉ giữ lại 600 trụ tiêu không bị bệnh, còn lại phá bỏ để trồng cà phê và trồng xen nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, vải, nhãn…

Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1, xã Cư Đrăm) đã chuyển đổi vườn tiêu  sang trồng cây ăn quả.
Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1, xã Cư Đrăm) đã chuyển đổi vườn tiêu sang trồng cây ăn quả.

Đến nay, hơn 100 ha hồ tiêu bị chết đã được bà con nông dân xã Cư Đrăm chuyển đổi trồng các loại cây khác và bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Hơn 30 ha dứa đã cho thu hoạch. Giá cả và đầu ra tương đối ổn định, lợi nhuận đạt khoảng 110 triệu đồng/ha; 52 ha cà phê được bà con lựa chọn chủ yếu là giống cà phê lai lùn TS5, cà phê vối TR9, cà phê vối TR12... ít sâu bệnh, phát triển rất tốt. Các loại cây ăn trái như sầu riêng, vải, nhãn… được bà con chọn mua giống ở các vườn ươm uy tín, đảm bảo chất lượng, chăm sóc khoa học nên cây phát triển rất tốt.

Ngoài ra, hơn 900 ha diện tích đất trồng sắn, trồng ngô lai kém hiệu quả và đất đồi dốc cũng được người dân chuyển đổi và trồng mới cà phê, dứa và cây ăn quả. Tính từ năm 2016 đến nay, xã Cư Đrăm đã chuyển đổi, trồng mới 822 ha cà phê, hơn 80 ha dứa, 20 ha cây ăn quả và theo kế hoạch, trong vụ đông xuân 2019, bà con dự định sẽ tiếp tục chuyển đổi và trồng mới thêm 60 ha cà phê, 55 ha dứa từ đất trồng sắn, ngô lai và đất đồi dốc.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.