Multimedia Đọc Báo in

Buôn Hồ nỗ lực trở thành đô thị loại IV

10:44, 24/07/2019

Qua hơn 10 năm thành lập, thị xã Buôn Hồ không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh tạo nên diện mạo khang trang.

Tập trung đầu tư hạ tầng

Thời gian qua, nhờ được đầu tư đồng bộ nên cơ sở hạ tầng của thị xã Buôn Hồ ngày càng hoàn thiện, dần đáp ứng tiêu chí của một đô thị loại IV. Với địa thế thuận lợi, Buôn Hồ có tuyến giao thông đối ngoại là Quốc lộ 14 đi qua trung tâm thị xã với chiều dài 20,6 km được đầu tư nâng cấp thành đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tỉnh lộ 14 đoạn đi qua thị xã được nâng cấp lên Quốc lộ 29 với tổng chiều dài 2,6 km. Dọc theo Quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm thị xã đã được đầu tư nâng cấp, lắp đặt điện trang trí, trồng cây xanh… khiến bộ mặt trung tâm huyện trở nên khang trang, hiện đại. Cùng với đó, 100% tuyến đường từ thị xã Buôn Hồ đi các phường, xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 55,63% đường trục chính ở xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 48,57% đường nội thị được cứng hóa, nhựa hóa; 86,99% trục đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được cứng hóa, nhựa hóa… giúp cho việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn.

Một góc thị xã Buôn Hồ.  Ảnh: H. Gia
Một góc thị xã Buôn Hồ. Ảnh: H. Gia

Những ai đã từng đến Buôn Hồ trước đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này. Những con đường thẳng tắp, những khu dân cư đông đúc xen kẽ cùng hệ thống hạ tầng thiết yếu khiến không gian đô thị càng thêm sầm uất. Anh Nguyễn Văn Hồng (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) phấn khởi chia sẻ, dù sống ở đây đã nhiều năm nhưng nhìn lại một thập kỷ qua mới thấy bộ mặt thị xã Buôn Hồ đã có nhiều khởi sắc. Người dân thay vì phải đi vài chục cây số lên TP. Buôn Ma Thuột mỗi khi cần khám bệnh hay vui chơi, mua sắm… thì giờ đây ở Buôn Hồ đã có đầy đủ. Những công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục… được đầu tư xây dựng ngày một nhiều, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ông Lê Đức Thành, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Buôn Hồ cho biết, từ năm 2009 đến nay, ngoài đầu tư kinh phí và huy động nhân dân làm đường bê tông, thị xã Buôn Hồ còn đầu tư mở rộng hơn 23 km hệ thống chiếu sáng công cộng, trồng hàng nghìn cây xanh; đầu tư xây dựng 1 hoa viên với diện tích 1,96 ha và Khu văn hóa buôn Tring (phường An Lạc) với diện tích 0,51 ha… Đặc biệt, Buôn Hồ đã triển khai 2 dự án phát triển đô thị là Dự án khu đô thị Đông Nam và Dự án khu đô thị Tây Bắc II, với tổng diện tích 32,5 ha. Các công trình cấp, thoát nước, công trình văn hóa, thể thao cấp huyện, chợ ở các xã… cũng được đầu tư đã thay đổi diện mạo địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc thực hiện các tiêu chí đô thị loại IV của thị xã Buôn Hồ còn gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án để đảm bảo tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Trong những tiêu chí chưa đạt có những chỉ tiêu khó như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, hạ tầng đô thị…

Ông Lê Đức Thành cho biết thêm, hiện nay đường đất trên địa bàn thị xã còn chiếm tỷ lệ lớn nên việc nhựa hóa trở thành cái khó của địa phương. Không những thế, việc nâng cấp những tuyến đường đã nhựa hóa lại càng khó hơn do hạn chế về nguồn vốn. Trên địa bàn thị xã hiện có 440 km đường giao thông nội thị, đường xã và các thôn, buôn nhưng 1 năm chỉ được bố trí kinh phí sửa chữa khoảng 1 km. Một bất cập nữa là trên địa bàn thị xã đã quy hoạch 4 hệ thống xử lý nước thải nhưng hiện chưa có hệ thống nào đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, do nguồn vốn hạn chế nên việc thực hiện quy hoạch và triển khai các dự án phát triển đô thị chưa thể thực hiện được.

Một tuyến đường nội thị Buôn Hồ.
Một tuyến đường nội thị Buôn Hồ.

Để giải quyết những khó khăn trên, thời gian qua, thị xã đã thực hiện kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng và phát triển các hệ thống thương mại dịch vụ để tăng cường nguồn thu. Trong năm 2019, để mở rộng không gian đô thị, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về hệ thống giao thông, địa phương đã đầu tư nâng cấp, mở rộng 20 tuyến giao thông, trong đó tập trung cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường nội thị tại phường Thiện An, Đoàn Kết, Đạt Hiếu…

Theo ông Phạm Phú Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ, nhằm hoàn thành các tiêu chí còn lại để trở thành đô thị loại IV vào cuối năm 2020, Buôn Hồ đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị xã Buôn Hồ đến năm 2035; xây dựng chương trình phát triển đô thị thị xã đến năm 2025 và đã hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được 5 đồ án, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được 14 đồ án… Những chương trình, quy hoạch, đồ án này là tiền đề để địa phương tập trung cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ cũng tạo điều kiện, giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia 14 dự án giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn, trong đó có 4 dự án khu đô thị. Với những nỗ lực nói trên, hy vọng Buôn Hồ sẽ đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại IV vào cuối năm 2020, làm bàn đạp để đạt được một số tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025.

Theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị, tiêu chí trở thành đô thị loại IV phải đảm bảo số điểm tối thiểu 75 điểm/100 điểm, theo 5 nhóm tiêu chí: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số toàn đô thị; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đến năm 2018, qua rà soát, đánh giá, thị xã Buôn Hồ đã đạt được gần 63,38/75 điểm tối thiểu.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.