Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh huyện M'Đrắk: Nhiều mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế

08:56, 08/07/2019

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện M'Đrắk hiện có 2.669 hội viên, sinh hoạt tại 15 tổ chức Hội cơ sở trực thuộc với 160 chi hội ở các thôn, buôn, tổ dân phố.

Hưởng ứng phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, trong những năm qua, các hội viên CCB trên địa bàn huyện đã xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Hằng năm, Hội CCB huyện tích cực tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội CCB huyện chú trọng khai thác các nguồn vốn thông qua các hoạt động như: xây dựng và duy trì các tổ "3/1", "5/1" (3, 5 hội viên có kinh tế khá, giàu giúp 1 hội viên khó khăn); xây dựng Quỹ Vì đồng đội; vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội huyện...

Tính đến nay, từ hoạt động trên, các cấp Hội đã huy động được 13 tỷ đồng cho hàng trăm hội viên CCB vay với lãi suất thấp. Tổng dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là hơn 85 tỷ đồng cho 640 hộ hội viên vay vốn. Đến nay, Hội CCB huyện không còn hộ hội viên đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20%, chủ yếu là đối tượng bảo trợ xã hội, hội viên neo đơn, già yếu; tỷ lệ khá và giàu trong hội viên CCB đạt trên 27%; thu nhập bình quân của hội viên đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế của CCB Phan Trọng Kim ở thôn 4, xã Ea Lai.
Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế của CCB Phan Trọng Kim ở thôn 4, xã Ea Lai.
 
"Toàn huyện hiện có khoảng 1.000 mô hình kinh tế do CCB làm chủ cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên (trong đó, số mô hình có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng chiếm hơn 20%); góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động nông thôn".
 
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện M'Đrắk

Ngoài việc phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, Hội CCB huyện còn tập trung vận động hội viên thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi, liên kết phòng trừ dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 1 doanh nghiệp; 17 mô hình kinh doanh, sản xuất; 2 hợp tác xã; 16 gia trại liên kết quy mô lớn do CCB làm chủ. Các mô hình kinh tế do CCB làm chủ có đa dạng các hình thức sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi và trồng trọt. Nhiều CCB sản xuất, kinh doanh giỏi đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của CCB huyện có mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi tổng hợp kết hợp kinh doanh của CCB Lê Phạm Mạnh ở thôn 18, xã Ea Riêng. Từ một hộ kinh tế khó khăn, sau 25 năm lập nghiệp, đến nay ông Mạnh đã sở hữu trên 100 ha rừng keo nguyên liệu, sao, dó bầu; 1,5 ha cà phê kết hợp chăn nuôi bò; 1 ha ao nuôi cá... Ông Mạnh còn đầu tư thành lập doanh nghiệp cơ khí tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình ông Lê Phạm Mạnh cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, ông Mạnh đã cho 55 hộ đồng bào Hmông tại thôn 4, xã Ea M'doal mượn hơn 5,5 ha đất để trồng sắn và ngô, giúp họ có động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Gia đình ông cũng có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế của CCB Trần Đình Chính, tổ dân phố 11, thị trấn M'Đrắk.
Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế của CCB Trần Đình Chính, tổ dân phố 11, thị trấn M'Đrắk.

Một điển hình khác phải kể đến CCB Đỗ Văn Lân ở thôn 10, xã Ea Pil. Từ hai bàn tay trắng, gia đình ông Lân hiện đã gây dựng gia trại chăn nuôi gà thả vườn BT2 (bình quân khoảng 2.000 con/lứa, 3 tháng xuất 1 lứa), kết hợp trồng hơn 300 gốc vải U Hồng, 200 gốc nhãn Hương Chi, thu nhập trên 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nông thôn. Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình, CCB Đỗ Văn Lân còn luôn sẵn sàng giúp đỡ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với anh em, bạn bè, có nhiều đóng góp trong các phong trào của địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.