Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

08:54, 29/07/2019

Chỉ mới xuất hiện mấy tháng nay nhưng sâu keo mùa thu đã lây lan khá nhanh trên địa bàn Đắk Lắk. Với đặc tính cắn phá rất khỏe, lại phát triển nhanh, loại sâu này khiến nông dân rất lo lắng.

Ẩn họa nguy hiểm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới xâm nhập vào Việt Nam từ trước tháng 4-2019. Tại Đắk Lắk, loại sâu này được phát hiện đầu tiên vào tháng 5-2019 tại huyện Lắk, với khoảng 400 ha bị phá hại. Sau đó lan ra các huyện Ea H'leo, Krông Bông, Ea Súp, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột với mật độ phân bố khoảng 8 - 12 con/m2... Tính đến ngày 16-7-2019, cây ngô vụ hè thu đã bị sâu keo mùa thu gây hại diện rộng, diện tích nhiễm trên 3.017 ha; mật độ phổ biến 1 - 20 con/m2, xuất hiện tại hầu hết diện tích trồng ngô trên toàn tỉnh.

Đơn cử, tại huyện Krông Bông, đến nay đã có 600 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại, trong đó có 310 ha nhiễm nặng (từ 8 - 10 con/m2). Từ hai xã được phát hiện đầu tiên vào cuối tháng 5-2019 là Hòa Lễ (15 ha), Khuê Ngọc Điền (45 ha), với tỷ lệ hại trung bình, thì đến giữa tháng 7-2019, loại sâu này đã gây hại cho cây ngô trên địa bàn 5 xã nữa là Hòa Sơn, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao. Đặc biệt, ở xã Hòa Sơn, có khoảng 60 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nặng, với khoảng 80 - 90% số cây bị hại.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên địa bàn.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên địa bàn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, tổng diện tích ngô đã gieo trồng trong vụ hè thu 2019 là 5.096 ha. Hiện nay, trà ngô sớm đang ở giai đoạn trổ cờ đến phun râu; trà muộn đang trong giai đoạn phát triển thân lá. Thực tế ghi nhận tại các ruộng ngô được kiểm tra cho thấy, các trà ngô muộn bị sâu keo mùa thu gây hại nặng hơn các trà ngô sớm, lên đến 80 - 90%. 

Trong khi đó, trà ngô sớm mặc dù được người dân xử lý phun thuốc, cây ngô đã dần hồi phục và đang trổ cờ, phun râu nhưng vẫn thấy triệu chứng của sâu keo mùa thu đang tấn công đục vào cờ ngô khiến một số cây ngô đã không trổ, thoát cờ được. Hiện Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang tích cực rà soát, thống kê và hướng dẫn nông dân các biện pháp phun diệt trừ. Trạm cũng đã tổ chức được 2 lớp tập huấn về các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho hai xã là Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền; các xã còn lại Trạm chưa thể triển khai tập huấn được do thiếu kinh phí.

Tại huyện Ea H’leo cũng đã phát hiện 327/9.885 ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Mặc dù Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cũng đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ hoặc nhổ bỏ, đốt, vùi diện tích ngô bị sâu gây hại nặng để tiêu hủy nguồn bệnh, tránh lây lan nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa tuân thủ đầy đủ và đúng theo quy trình kỹ thuật khiến sâu keo mùa thu lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi.

Chủ động phòng trừ ngay từ đầu

Hiện diện tích cây ngô vụ hè thu năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 54.334 ha, tập trung ở một số huyện như: Krông Bông 5.096 ha, Krông Pắc 6.294 ha, Cư M’gar 4.250 ha, Ea H’leo 9.880 ha... Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, thời tiết nắng mưa đan xen sẽ thuận lợi cho sâu keo mùa thu phát sinh, phát triển có thể gây hại mạnh đối với trà ngô muộn từ khi mới gieo cho đến 7 - 8 lá, do đó các địa phương không được lơ là, chủ quan trước loài sâu hại mới này. Bởi theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tính đến nay, cả nước có gần 15.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có gần 1.300 ha bị nhiễm nặng. Hai khu vực có diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, chiếm trên 94% tổng diện tích. Diện tích, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng và còn có thể lây lan sang những vụ mùa tiếp theo. Đáng lo ngại hơn, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ.

Một ruộng ngô trên địa bàn huyện Krông Bông bị sâu keo mùa thu gây hại.
Một ruộng ngô trên địa bàn huyện Krông Bông bị sâu keo mùa thu gây hại.

Trước tình trạng cấp bách trên, ngay từ khi phát hiện sâu keo mùa thu gây hại cây ngô trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn cách nhận biết về đặc điểm sâu keo mùa thu; triệu chứng gây hại để người nông dân chủ động phòng trừ, đồng thời phổ biến Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành. Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã lựa chọn tạm thời 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phòng trừ sâu keo mùa thu.

Theo đó, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lồng ghép nội dung trên vào các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra những diện tích canh tác ngô đã phát hiện sâu keo mùa thu, kết hợp với hướng dẫn nhân dân trực tiếp trên đồng ruộng về đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu.

Trong thời gian tới, các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV, ngày 15-7-2019 của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô; tiếp tục điều tra, thống kê, cập nhật số liệu và theo dõi diễn biến của sâu keo mùa thu; khoanh vùng, nắm chắc diễn biến, diện tích giống ngô bị nhiễm; hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ sâu bằng các biện pháp như: ngắt ổ trứng đem tiêu hủy, bẫy đèn, bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone để diệt sâu trưởng thành; phun thuốc bảo vệ thực vật nơi có mật độ cao khi ngô ở giai đoạn 5 - 7 lá; hướng dẫn nông dân thay thế các giống ngô dễ nhiễm bệnh bằng các giống kháng sâu bệnh tốt hơn...

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, hiện nay việc hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu keo mùa thu đúng cách đang rất cấp bách vì đây là đối tượng dịch hại mới, bà con nông dân chưa biết cách phòng trừ, có những trà ngô đã được bà con nông dân phun từ 2 - 3 lần nhưng vẫn không có hiệu quả. Do đó, cấp trên cần sớm quan tâm, bố trí kinh phí để huyện tổ chức kịp thời các lớp tập huấn, giúp nông dân có kiến thức để phòng trừ sâu keo mùa thu hiệu quả hơn.

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.