Multimedia Đọc Báo in

Liên kết sản xuất lúa giống: Hướng đi mới ở Krông Ana

12:06, 23/07/2019

Vụ xuân 2018 - 2019, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) liên kết với Công ty TNHH Nông Việt Phát sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị đã tạo ra hướng phát triển mới cho bà con nông dân làm lúa truyền thống ở đây. Bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc tăng cường mối liên kết giữa các bên tham gia sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Theo ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc HTX, trong vụ đông xuân vừa qua, HTX đã chọn 80/914 ha lúa nước của đơn vị để sản xuất lúa giống xác nhận theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, với 63 hộ nông dân đăng ký tham gia. Đây là mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, theo đó những hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 70% tiền lúa giống và 50% tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Công ty đã cung ứng các loại giống lúa NV02, NV27, đồng thời chuyển giao quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trong quá trình cây lúa sinh trưởng và phát triển, cán bộ chuyên môn của công ty cũng đã trực tiếp xuống cánh đồng để hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng… Trước khi thu hoạch, phía công ty cũng xuống kiểm tra chất lượng, lúa phải đúng độ chín mới cho bà con thu hoạch.

Ông Bùi Khắc Tiến (thôn Sơn Trà) trao đổi với cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân về tình hình sinh trưởng của cây lúa.
Ông Bùi Khắc Tiến (thôn Sơn Trà) trao đổi với cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân về tình hình sinh trưởng của cây lúa.

Kết thúc vụ đông xuân 2018 - 2019, năng suất bình quân của hai giống lúa NV02 và NV27 đạt 9-10 tấn/ha. Thông qua HTX, công ty đã thu mua lại lúa giống đạt chuẩn với giá 5.800 đồng/kg (lúa tươi), cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa giống cao hơn sản xuất lúa thương phẩm khoảng 8-10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất của người dân cũng được nâng cao do yêu cầu quy trình sản xuất lúa giống cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Hiệm (thôn 6, xã Bình Hòa) cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình thử nghiệm sản xuất lúa giống nên còn khá nhiều bỡ ngỡ về quy trình kỹ thuật và tốn công rất nhiều, nhất là trong việc khử lẫn (làm sạch cỏ và những cây lúa lạ trong thời kỳ lúa đang non). Tuy nhiên khi đã nắm vững kỹ thuật thì không còn thấy khó nữa. Nếu làm đúng quy trình thì công việc chăm sóc lúa trở nên nhẹ nhàng hơn. Với 1,5 ha sản xuất lúa giống, năng suất đạt 8 tạ khô/ha, gia đình thu về được 60 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa thường 20 triệu đồng.

Tương tự, hộ ông Bùi Khắc Tiến (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) cho hay, gia đình đăng ký tham gia sản xuất lúa giống với diện tích 10 ha. Mặc dù quá trình chăm sóc có vất vả hơn so với sản xuất lúa thường nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn và không lo bí đầu ra. Với 10 ha sản xuất lúa giống này, lợi nhuận mang lại cho gia đình 100 triệu đồng/vụ.

Nông dân xã Bình Hòa kiểm tra tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
Nông dân xã Bình Hòa kiểm tra tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana, việc thực hiện liên kết sản xuất lúa giống tuy không phải là mô hình mới ở các HTX trên địa bàn, nhưng mô hình ở HTX Quảng Tân đã có sự tham gia của Nhà nước trong việc hỗ trợ một phần nguồn lực tài chính cho HTX. Qua đó, HTX có cơ hội mở rộng hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa giống, vừa bảo đảm đầu ra cho nông dân vừa tăng doanh thu cho HTX. Ngoài ra, khi thực hiện các liên kết chuỗi đã giúp tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch đầu tư, chăm sóc cây trồng giữa các nông hộ, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù mô hình bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, một số hộ dân cũng đã đi theo hướng sản xuất lúa giống, tuy nhiên việc phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có vẫn chưa trở thành phổ biến… Do đó, để việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được duy trì và phát triển sau mô hình, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ các HTX tiếp tục liên kết với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.