Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức lan tỏa cho hàng Việt

09:16, 30/07/2019

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) tiếp tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện, ngày đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, khẳng định vị thế hàng Việt trong lòng người tiêu dùng.

Xuyên suốt 10 năm qua, Cuộc vận động luôn là nội dung quan trọng trong chương trình hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông Y Dec Hđơk, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nỗ lực tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương về thực hiện Cuộc vận động trong hệ thống Mặt trận; đề xuất với tỉnh kế hoạch và các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước, các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp... gắn với Cuộc vận động. Đồng thời, Mặt trận cũng chú trọng vận động thành viên, hội viên, đoàn viên, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân trong tỉnh mua hàng hóa có xuất xứ sản xuất trong nước.

Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã đề ra những giải pháp, chương trình hành động cụ thể, tổ chức nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Chương trình “Bán hàng bình ổn giá”; Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và các hội chợ, phiên chợ Tết hàng Việt... ngày càng thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo doanh nghiệp và người dân.

Để cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng thì công tác thông tin, tuyên truyền, vận động là giải pháp hàng đầu tạo sự đồng thuận xã hội cao, qua đó xây dựng thói quen, nét văn hóa dùng hàng Việt. Với vai trò "cầu nối”, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú như: phát hành bản tin, xây dụng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin bài, xây dựng cụm pano, áp phích, xe loa tuyên truyền… để từng bước tạo thói quen, thay đổi hành vi mua sắm theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt, giúp người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình khi ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, định hướng doanh nghiệp của tỉnh tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng, chú trọng phát triển thương hiệu Việt…

Qua kênh tuyên truyền, vận động này, các cấp Mặt trận đã nâng cao nhận thức và tạo được hiệu ứng trong hội viên, nhân dân trên địa bàn. Việc mua sắm của người tiêu dùng vì thế cũng có những bước chuyển biến đáng kể theo xu hướng chọn mua hàng Việt ngày càng gia tăng. Qua khảo sát tại các siêu thị trong tỉnh và ở một số địa phương, hiện có trên 85% dân số trong tỉnh đã mua và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, Mặt trận cũng tích cực cùng với các ngành chức năng liên quan vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng… để bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cũng đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường... tạo sức lan tỏa cho hàng Việt.

Có thể nói, sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã làm cho việc thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, giúp người dân và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.