Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng bí đỏ không có quả: Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

12:17, 23/07/2019

Ký được hợp đồng cung ứng 60 tấn bí đỏ, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân An (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) liên kết với nông dân trồng hơn 2 ha. Tuy nhiên, sắp đến kỳ thu hoạch theo dự kiến nhưng toàn bộ diện tích trồng bí không có quả nào.

Cả HTX và nông dân cùng khốn khổ

Đầu tháng 4–2019, qua giới thiệu của đại lý bán hạt giống trong vùng, HTX Nhân An liên hệ trực tiếp với ông Phan Anh Quân, nhân viên phụ trách thị trường Đắk Lắk của Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ và mua 100 gói hạt giống bí đỏ lai F1 Arjuna theo đơn giá 55.000 đồng/gói. Sau đó, HTX đưa hạt giống đến trang trại Tinh Hoa của Công ty TNHH Viết Hiền ươm được hơn 1 vạn bầu cây giống rồi mới đem trồng trên diện tích hơn 2 ha của 3 hộ nông dân liên kết và vườn của HTX. Trong quá trình canh tác, HTX thường xuyên cử kỹ sư nông nghiệp theo dõi toàn bộ diện tích đã xuống giống. Thời gian đầu, bí phát triển nhanh và không bị sâu bệnh. Tuy nhiên, từ sau 50 ngày tuổi, bí rất ít hoa, quả non không phát triển.

Anh Cao Xuân Lộc (thôn 5, xã Tân Tiến) trồng 6 sào bí đỏ từ nguồn cây giống của HTX Nhân An. Do đã ký hợp đồng cụ thể, cam kết canh tác hữu cơ nên anh chỉ sử dụng phân bò hoai và phun chế phẩm Canxi-Bo theo hướng dẫn từ HTX và công ty bán hạt giống. Tuy nhiên, anh nhận thấy số lượng hoa cái rất ít, thường bị vàng, teo dần rồi rụng chứ không đậu quả. Đến nay, nhiều ngọn vẫn còn nụ hoa cái, song theo anh những nụ này chắc chắn không thể tạo quả vì chúng được mọc ra ở đầu nhánh phụ nên sẽ không hút đủ dinh dưỡng.

Sau gần 3 tháng chăm sóc, vườn bí của anh Cao Xuân Lộc vẫn chưa có quả nào.
Sau gần 3 tháng chăm sóc, vườn bí của anh Cao Xuân Lộc vẫn chưa có quả nào.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Khôi Nguyên (thôn 4, xã Tân Tiến) cũng đang rầu rĩ với vườn bí không quả. Chị đã trồng 900 cây bí trên diện tích 2 sào đất trống và xen rải rác trong vườn cà phê. Chị chua chát cho hay, trồng bí theo phương pháp hữu cơ rất tốn công, nhất là công làm cỏ vì vừa cuốc vừa phải đỡ dây thật cẩn thận, tránh phạm phải thân hoặc gốc. Ban đầu, thấy bí vươn ngọn xanh tốt, chị rất phấn khởi. Càng về sau, chị càng thất vọng khi nhận thấy tỷ lệ hoa của giống bí này ít hơn hẳn so với bí đỏ hồ lô từng trồng trước đây. Sau khi hoa nở thì dần rụng đi, cả vườn không đậu quả nào.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nhân An Trần Thế Châu cho hay, trước khi mua giống, ông đã trao đổi với ông Phan Anh Quân về phương pháp canh tác hữu cơ mà HTX đang áp dụng. Ông Quân nhiều lần xuống khảo sát điều kiện tự nhiên và khẳng định giống bí đỏ Arjuna có thể phát triển tốt tại đây với năng suất lên đến 7 kg/quả. Căn cứ vào số lượng và thời gian xuống giống, HTX đã ký 2 hợp đồng cung ứng bí đỏ cho Công ty TNHH Ba Lành (TP. Hồ Chí Minh) và HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột). Mỗi hợp đồng cam kết cung ứng 30 tấn bí đỏ, trị giá 600 triệu đồng. Phía đối tác đã tạm ứng cho HTX Nhân An 120 triệu đồng/hợp đồng, thời gian giao hàng vào cuối tháng 7-2019. Nếu giao hàng chậm tiến độ, HTX Nhân An phải chịu phạt số tiền tương ứng với 0,2% giá trị hợp đồng mỗi ngày. Ngoài ra, HTX cũng ký 3 hợp đồng bao tiêu với nông dân theo đơn giá 15.000 đồng/kg. Đến nay, HTX đã đầu tư gần 200 triệu đồng cho chi phí giống, công ươm giống, phân bón, chế phẩm Canxi-Bo và một số vật tư khác, chưa kể tiền thuê cày đất, công xuống giống, chăm sóc của nông dân và HTX.

Vườn bí của chị Nguyễn Thị Khôi Nguyên vẫn xanh tốt nhưng không có quả.
Vườn bí của chị Nguyễn Thị Khôi Nguyên vẫn xanh tốt nhưng không có quả.

Đơn vị cung ứng giống đổ lỗi cho thời tiết

Giữa tháng 6, khi thấy bí không đậu quả, HTX và các hộ liên kết nhiều lần liên lạc với Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ để đề nghị kiểm tra, hỗ trợ xử lý song chỉ nhận được câu trả lời lấp lửng hoặc không trả lời. Ông Châu cũng từng hẹn bà con đến làm việc theo yêu cầu từ phía công ty nhưng vẫn không có ai đến. Quá bức xúc, ngày 12-7, ông Châu đăng hình ảnh và thông tin sự việc lên mạng xã hội. Lúc này, ông Phan Anh Quân mới liên lạc và xuống vườn kiểm tra.

Chiều ngày 15-7, ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên của Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ đã đến làm việc cùng HTX và nông dân. Tại buổi làm việc này, ông Tuấn lý giải nguyên nhân bí không có quả là do chịu tác động của thời tiết mưa đầu mùa. Những cơn mưa này có đặc tính chứa nhiều đạm khiến cây sinh trưởng mạnh dẫn đến ức chế phát triển nụ. Vì vậy, công ty sẽ hoàn trả cho bà con tiền mua hạt giống theo như thông tin in trên mặt sau bao bì. Không đồng tình với trả lời trên, cả người dân và HTX đã phản ứng mạnh và cho rằng nếu mất mùa do thời tiết thì ít nhất phải đạt được phần sản lượng nhất định chứ không thể hoàn toàn không cho quả nào như tình trạng đang xảy ra.

Được biết, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, nông dân cũng đang gặp phải hiện tượng tương tự như ở HTX Nhân An, bị thiệt hại nặng bởi bí không có quả, ngọn cũng không dám thu hái vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân, giúp nông dân có được câu trả lời thỏa đáng và tránh tình trạng trên lặp lại trong những mùa vụ sau.

Theo ông Trần Thế Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nhân An, HTX hiện phải chịu rất nhiều áp lực vì vừa mất tiền đầu tư, vừa có nguy cơ bồi thường các hợp đồng với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. HTX mong muốn phía công ty hỗ trợ tối thiểu 30% trên sản lượng dự kiến và giá thu mua theo hợp đồng mà HTX đã ký kết với nông dân, bù đắp phần nào thiệt hại cho người dân. Riêng hợp đồng cung ứng với hai đối tác tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Buôn Ma Thuột, HTX sẽ tự tìm cách thương lượng và giải quyết.


Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.