Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ người tiêu dùng: Chưa đáp ứng mong đợi của người dân (Kỳ 2)

09:29, 01/08/2019

[links(left)]

Kỳ 2:  Xã hội cần chung tay, góp sức để bảo vệ người tiêu dùng

Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, kéo theo đó là vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng ngày càng gia tăng. Do đó, công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng đặt ra những thách thức lớn.

Vấn nạn hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang tràn lan trên thị trường, nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng địa phương là điều khó tránh khỏi. Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị đã phát hiện và xử lý 383 vụ vi phạm thương mại. Qua đó, tiến hành phạt hành chính trên 3,6 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trên 2 tỷ đồng. Lĩnh vực vi phạm là hàng nhập lậu, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng như thuốc lá, mỹ phẩm, xăng dầu, đồ chơi trẻ em, đồ điện gia dụng, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, quần áo…

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, tình hình thị trường trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, đó là tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thượng mại còn diễn biến phức tạp; quy mô hoạt động của các đối tượng này ngày càng mở rộng, thủ đoạn tinh vi, phương thức hoạt động thường xuyên thay đổi… để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Mặc dù các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, tăng cường nhưng diễn biến thị trường phức tạp, hàng hóa đa dạng, lưu chuyển lớn nên số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn xảy ra.

Hàng hóa vi phạm, được lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành tiêu hủy.
Hàng hóa vi phạm, được lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành tiêu hủy.

Trong bối cảnh đó, những năm qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tích cực vào cuộc và có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng địa phương. Không ít vụ việc, khi có sự can thiệp của Hội thì người tiêu dùng mới chính thức bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng.

Đặc biệt, 2 năm gần đây, số vụ việc được người tiêu dùng chủ động khiếu nại lại khá khiêm tốn. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thông tin, trong năm 2018, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội đã tiếp nhận, giải quyết và tư vấn giải quyết 11 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, với tổng trị giá hàng hóa khiếu nại gần 80 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Văn phòng của Hội chỉ tiếp nhận 7 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, con số này là quá nhỏ so với thực tế vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài sự thiếu chủ động, không lên tiếng của người tiêu dùng thì về phía cơ quan quản lý nhà nước, câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng cũng có nhiều khó khăn, trắc trở. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đối với những sự vụ phức tạp đòi hỏi sự thống nhất và bắt tay của nhiều ngành, nhiều tổ chức xã hội, do đó rất cần sự chung tay và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế; sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn chưa thật sự quyết liệt, từ đó dẫn đến chưa phát huy được hết vai trò của các tổ chức xã hội...

Xe loa tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Xe loa tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Dẫn chứng như tại một số huyện vùng sâu, vùng xa, nơi mà hàng hóa kém chất lượng luôn chọn để làm "đất sống" và bám trụ thì lại chưa thành lập được tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 9 tổ chức hội tại các huyện. Một số huyện xa như: Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana...  vẫn chưa thành lập được tổ chức Hội. Chính vì vậy khi quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng không biết tìm đến đâu, không biết kêu ai.

Còn đối với các Hội đã được thành lập thì phần lớn cán bộ trong Hội là kiêm nhiệm, kinh phí hạn hẹp cũng làm cho hiệu quả hoạt động các Hội cơ sở chưa được như kỳ vọng. Việc tuyên truyền của tổ chức Hội chưa được sâu rộng dẫn đến vẫn còn có rất nhiều người dân trên địa bàn chưa biết đến sự tồn tại của tổ chức Hội, không biết văn phòng Hội ở đâu, ai là người chịu trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ mình... Thêm vào đó, công tác kiểm tra thị trường phải được tiếp tục tăng cường chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa. Thực tế, việc kiểm soát, xử lý của địa phương mới chỉ xử lý ở phần ngọn, nếu ngăn chặn được từ khâu đầu mối thì người tiêu dùng mới tránh được nguy cơ mua phải hàng hóa kém chất lượng.

Ngày 22-1-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.