Đấu thầu qua mạng: Chưa thật sự thu hút, vì sao?
So với đấu thầu trực tiếp thì đấu thầu qua mạng đem lại khá nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai chính thức, nhiều đơn vị vẫn không mấy mặn mà với hình thức này, dẫn đến tỷ lệ các dự án đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh chưa đạt theo lộ trình chung của cả nước.
Lợi ích nhiều mặt
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện khá nghiêm túc lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã thực hiện đấu thầu qua mạng 2 gói thầu, với tổng giá các gói thầu hơn 17 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu hơn 16,3 tỷ đồng, giá trị giảm thầu là 739 triệu đồng (tỷ lệ giảm thầu 4,07%).
Ông Lữ Ngọc Sinh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh chia sẻ, sau khi triển khai tại đơn vị mình, ưu điểm dễ thấy của đấu thầu qua mạng là tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân lực mua và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Việc mua hồ sơ, kê khai và hoàn thiện giấy tờ với khối lượng lớn đều có thể thực hiện thông qua Hệ thống đấu thầu trên mạng.
Đặc biệt, các nhà thầu sẽ không bị ngăn cách về địa lý mà chỉ cần ngồi một chỗ có thể đấu thầu được trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin trực tuyến nên dễ giám sát, bảo đảm bí mật, góp phần giảm tiêu cực trong đấu thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án.
Công trình trụ sở làm việc của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk được triển khai bằng hình thức đấu thầu qua mạng. |
Còn theo ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh, so với đấu thầu trực tiếp thì đấu thầu qua mạng đem lại khá nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất là bảo đảm bí mật hồ sơ thầu nhằm loại bỏ tình trạng thông thầu.
Theo đó, thông tin nhà thầu tham gia đến trước thời điểm mở thầu được giữ bí mật, không bên nào, kể cả bên mời thầu hay nhà quản trị hệ thống có thể truy cập hay rò rỉ ra ngoài. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho tất cả các nhà thầu, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính… góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã thực hiện đấu thầu qua mạng 5/16 gói thầu quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ 31%.
Vì sao chưa thu hút?
Theo Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 8-9-2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng thì, từ năm 2018 trở đi, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế. Trong khi đó, toàn tỉnh mới triển khai đấu thầu qua mạng được 87/3.068 gói thầu, trong đó có 51/255 gói thầu chào hàng cạnh tranh (chiếm tỷ lệ 20%) và 36/292 gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế (chiếm tỷ lệ 12,3%).
Cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh theo dõi thông tin các gói thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. |
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng của Chính phủ, Sở đã phổ biến các quy định của pháp luật về nội dung cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; đôn đốc, hướng dẫn và giám sát các đơn vị áp dụng đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình quy định, nhưng việc đấu thầu qua mạng chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà thầu.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, có 87 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng với tổng giá các gói thầu là hơn 118,4 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu gần 110,4 tỷ đồng, giá trị giảm thầu là 8,07 tỷ đồng (giảm được 6,81%). Tuy các gói thầu tổ chức đấu thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đạt tỷ lệ giảm thầu cao, nhưng chủ yếu là những gói thầu quy mô nhỏ và chưa đáp ứng được tỷ lệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC. Nguyên nhân khiến tỷ lệ các dự án đấu thầu qua mạng ở Đắk Lắk còn thấp là do các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu không phải là các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực nên việc triển khai công tác này không được chú trọng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà
|
Chia sẻ về vướng mắc trong triển khai đấu thầu qua mạng, ông Lữ Ngọc Sinh cho biết thêm, dù thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh việc áp dụng đấu thầu qua mạng nhưng số lượng đạt được vẫn chưa nhiều.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị mới chỉ thực hiện được 2/18 gói thầu bằng hình thức đấu thầu qua mạng (chiếm 11,1%). Thực tế cho thấy, rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng cũng như trình độ công nghệ thông tin của các nhà thầu chưa đáp ứng được đầy đủ những điều kiện, yêu cầu để đấu thầu qua mạng. Một nguyên nhân nữa là một số nhà thầu còn chưa hiểu hết về những lợi ích của việc đấu thầu qua mạng.
Theo ông Đinh Xuân Hà, để thúc đẩy đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai đấu thầu qua mạng theo quy định, đồng thời có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình của Chính phủ và yêu cầu đăng ký gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Lợi ích mang lại là quá rõ ràng, song để việc đấu thầu qua mạng đạt được hiệu quả như mong muốn đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời thường xuyên tập huấn, đào tạo cho các nhà thầu về quy trình đấu thầu qua mạng. Cùng với đó, cần có quy định áp dụng đấu thầu qua mạng với lộ trình cụ thể, phù hợp với địa phương và đề ra chế tài xử lý những trường hợp làm trái quy định. Quan trọng hơn là cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện đấu thầu qua mạng.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc