Đừng làm lấy lệ
Mới đây, trong một chuyến công tác tại một xã vùng sâu vùng xa, tôi được tận mắt chứng kiến quy trình tiêu hủy heo của địa phương nọ chưa thực hiện đúng các quy trình bắt buộc. Điều đáng nói ở đây, trong buổi tiêu hủy đó có sự giám sát của cả cơ quan chuyên môn, nhưng hầu như chỉ làm lấy lệ.
Theo quy định, trong trường hợp xác định heo dương tính với dịch tả heo châu Phi thì phải tiến hành tiêu hủy ngay. Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín để không làm rơi vãi máu, chất thải của heo bệnh trong quá trình di chuyển. Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.
Phương tiện vận chuyển heo bệnh không được rắc vôi, lót nilon. |
Quy định là vậy, nhưng thực tế triển khai ở một số địa phương hầu như không tuân thủ tuyệt đối nên cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, phát tán mạnh hơn. Đơn cử như tại địa phương nọ, trực tiếp chứng kiến các công đoạn của công tác tiêu hủy mới thấy hết những bất cập. Cụ thể, việc vận chuyển heo bệnh từ chuồng đến vị trí để xe không hề được rắc vôi bột khử trùng.
Phương tiện dùng vận chuyển cũng không hề được phun thuốc, rắc vôi và lót nilon theo quy định. Thêm vào đó, người thực hiện công tác tiêu hủy cũng không được trang bị quần áo bảo hộ… Đây là những nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh tại địa phương nọ. Điều này minh chứng ở con số thực tế, bởi theo thống kê, đây là đơn vị có số lượng heo bị bệnh cao nhất huyện, chiếm gần 50% số heo bệnh tại địa phương.
Mặc dù công tác tiêu hủy ở địa phương nọ có sự giám sát trực tiếp của cán bộ cấp trên, song hầu như chỉ là làm cho có chứ không có sự nhắc nhở để rút kinh nghiệm. Đáng buồn hơn, khi địa phương đang lúng túng về công tác tiêu hủy, cần sự chỉ đạo của đơn vị quản lý thì vị cán bộ nọ chỉ có mặt “chớp nhoáng” chứ không giám sát, kiểm tra và hướng dẫn. Thậm chí vị cán bộ nọ còn rời khỏi khu vực có heo bệnh cần tiêu hủy để làm việc khác khi mà việc tiêu hủy chưa hoàn thành.
Qua đây có thể thấy, công tác giám sát, chỉ đạo đối với việc thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là hết sức cần thiết. Ngược lại, nếu chỉ làm lấy lệ thì hệ lụy dẫn đến là rất lớn, đơn cử như công tác tiêu hủy heo bệnh ở địa phương nọ.
Xuân Trường
Ý kiến bạn đọc