Liên kết sản xuất lúa giống: Nông dân thêm yên tâm bám ruộng đồng
Được hỗ trợ lúa giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc; năng suất chất lượng sản phẩm cao; đặc biệt lúa khi gặt được các công ty xuống tận ruộng thu mua với giá cao hơn thị trường…, đó là những ưu điểm nổi bật của mô hình liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao mà nông dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) đang triển khai thực hiện nhiều năm qua.
Hơn 10 năm nay, mô hình liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống đã trở thành hướng phát triển kinh tế từ ruộng đồng khá hiệu quả của nông dân ở xã Ea Kly. Thực tế cho thấy, so với canh tác lúa thương phẩm như trước đây thì việc liên kết, lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa giống cao hơn nhiều. Hơn thế nữa, chất lượng lúa nâng lên, hạn chế rủi ro nhờ được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, điều này giúp nông dân phấn khởi và yên tâm bám ruộng đồng.
Nông dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) vận chuyển lúa sau thu hoạch. |
Ông Trần Quang Thắng (thôn 4A) có 1 ha lúa giống liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố (tỉnh Ninh Thuận) từ những ngày đầu triển khai mô hình. Nhờ quá trình gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch đều có cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ nên năng suất, chất lượng đều tăng (từ 8,3 - 9,7 tấn/ha tùy theo mùa vụ), thu nhập cao hơn từ 20-30 triệu đồng/ha so với trước đây.
Chủ tịch UBND xã Ea Kly Nguyễn Hải Sâm
|
Hay như với hộ bà Đinh Thị Hoa (thôn 11), với hơn 2 ha đất trồng lúa, gia đình không phải chật vật tìm đầu ra mà ngay khi vừa thu hoạch lúa đã có doanh nghiệp đến thu mua lúa tươi trên đồng ruộng, không phải tốn công chở về nhà hay phải phơi khô, giá cả lại cao hơn thị trường.
Theo các hộ dân liên kết trồng lúa với doanh nghiệp, môi trường sản xuất và môi trường nông thôn cũng được cải thiện nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật do rất ít lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Đặc biệt, các cán bộ kỹ thuật của công ty cũng thường xuyên xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất nên đến vụ thu hoạch, chỉ cần cân lúa và tính tiền, không lo giá cả lên xuống không tiêu thụ được vì tất cả lúa đều được thu mua hết theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
“Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 70% hộ dân liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao với tổng diện tích gần 3.000 ha/năm. Các đơn vị liên kết với nông dân gồm Công ty TNHH MTV Cà phê 719 phối hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và một số doanh nghiệp nhỏ lẻ khác với 2 giống chủ yếu là LTH 35 và lúa thơm RVT”, Chủ tịch UBND xã Ea Kly Nguyễn Hải Sâm chia sẻ.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc). |
Thực tế thời gian qua cho thấy, tham gia mô hình liên kết này các hộ dân chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư. Ngoài ra, nỗi lo về vốn đầu tư cũng được “hoá giải” khi họ được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới phải thanh toán… Bên cạnh đó, với những tiến bộ kỹ thuật hiện đại, những công đoạn trong quá trình sản xuất cũng đã được cơ giới hóa như khâu làm đất, phun thuốc, gặt… giúp nông dân tốn ít công lao động. Ngoài mục tiêu tăng lợi nhuận cho nông dân, mô hình liên kết đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế trên đồng ruộng.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc