Cuộc sống mới trên cánh đồng 132
Dự án khai hoang xây dựng cánh đồng 132 xã Cư Elang, huyện Ea Kar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2341/QĐ-UBND ngày 25-9-2018.
Tổng diện tích đất sản xuất lúa nước của cánh đồng là 173,75 ha, đã được cấp cho 448 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xã Cư Ni và xã Cư Huê. Trong đó, xã Cư Ni có 207 hộ ở 3 buôn (Ega, Ea Pal, Ea Knốp) với 69 ha; xã Cư Huê có 241 hộ ở 4 buôn (M’Riu, Duôn Tai, Djă, M’Oa) với 104,75 ha.
Ông Dương Văn Thừa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ea Kar cho biết, để có được cánh đồng gần 174 ha lúa nước này là cả một quá trình hơn 15 năm triển khai thực hiện chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đã từng rơi vào bế tắc năm 2004, bởi sau khi giao đất, người dân canh tác được 1 vụ thì đành phải bỏ hoang vì không có nước tưới.
Mãi đến năm 2016, khi công trình thủy lợi hồ Ea Rớt hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống kênh chính được đầu tư xây dựng có thể cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích này. Nhận thấy đây là thời cơ để “khởi động” lại cánh đồng, năm 2017 UBND huyện tiếp tục xây dựng lại đề án và tiến hành giải tỏa mặt bằng, phân lô cắm mốc cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất và bàn giao tại thực địa.
Ruộng lúa của gia đình anh Y Blênh Niê (bìa phải). |
"Ngày đặt nhát cuốc đầu tiên trên mảnh đất vừa được cấp, mình cảm nhận được gia đình đã bắt đầu bước sang một cuộc sống mới".
Chị H’Oanh Byă, người dân buôn Pal, xã Cư Ni
|
Chị H’Oanh Byă ở buôn Pal, xã Cư Ni, một trong những hộ dân tộc thiểu số nghèo được cấp ruộng trên cánh đồng này. Gia đình chị có 6 nhân khẩu, trước đây vì thiếu đất sản xuất, vợ chồng chị chỉ biết làm thuê cuốc mướn nên nhiều năm nay cuộc sống luẩn quẩn với đói nghèo. Với 7,5 sào ruộng được cấp, vụ đầu tiên gia đình chị thu hoạch được gần 4 tấn lúa. Đây là con số khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi không ai nghĩ ruộng mới được khai hoang, trong điều kiện canh tác còn thô sơ mà lại cho năng suất cao như thế.
Cùng chung hoàn cảnh thiếu đất sản xuất như gia đình chị H’Oanh, cuộc sống gia đình anh Y Blênh Niê ở buôn M'Riu, xã Cư Huê cũng luôn trong tình cảnh “giật gấu vá vai”. Cho nên khi cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 3,7 sào ruộng nước được Nhà nước cấp, gia đình anh rất vui sướng vì lần đầu tiên trong đời được sở hữu một tài sản có giá trị như thế. Y Blênh Niê cho biết, vụ đầu tiên gia đình thu được 1,5 tấn lúa nên mới có tiền đầu tư cho vụ này. Kể từ nay gia đình không còn lo đói nghèo nữa.
Cánh đồng 132 xã Cư Elang là niềm hy vọng thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Ea Kar. |
Ông Dương Văn Thừa chia sẻ: Việc xây dựng cánh đồng 132 thành cánh đồng mẫu là mong muốn của người dân cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống kênh mương nội đồng (kênh tưới và kênh tiêu) cùng hệ thống đường giao thông nội đồng vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, trên diện tích đất đã cấp cho các hộ dân có một số điểm cao cục bộ như ụ mối, các đường phân lô và một số diện tích nằm trên cao, một số diện tích bị múc đất quá sâu hoặc có độ dốc quá lớn nên người dân rất khó dẫn nước về. Vì vậy, cánh đồng hiện nay rất cần sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để việc canh tác của người dân được ổn định và hiệu quả hơn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc