Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với vay tiền qua ứng dụng online

09:43, 29/10/2019

Bằng những thao tác đơn giản trên smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet, nhiều người đã truy cập vào các ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến, để rồi sau đó bị “sập bẫy”...

Lãi vay “cắt cổ”

Đầu tháng 5-2019, chị H’Ph. L. Niê (trú xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) tình cờ lướt Facebook thấy có trang quảng cáo cho vay tiền qua ứng dụng (app) bằng hình thức online với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, lại không cần thế chấp tài sản nên đăng ký vay 3 triệu đồng. Chị được dịch vụ cho vay tiền iDong trong ứng dụng yêu cầu chụp Chứng minh nhân dân, ảnh chân dung, thông tin cá nhân và đồng ý để họ truy cập vào danh bạ điện thoại. Đợi khoảng 15 phút sau khi hoàn tất các thủ tục, chị H’Ph. L. được chuyển 2,6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, thời hạn vay 14 ngày. IDong thông báo giữ lại 400.000 đồng là chi phí làm thủ tục và lãi suất.

Thế nhưng, chưa đến hạn 14 ngày, chị H’Ph. L. đã nhận được nhiều cuộc gọi của người xưng là nhân viên của ứng dụng cho vay tiền hối thúc đòi nợ, đồng thời gửi cho chị đường link dẫn đến app cho vay lần thứ 2 để đáo hạn. Tại đây, chị H’Ph. L. cũng được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mới giải ngân để trả cho app vay thứ nhất. Tương tự, gần đến hạn thanh toán, app vay thứ 2 cũng hướng dẫn chị truy cập vào link của app thứ 3 để vay trả cho app thứ 2…

Cứ như vậy, thông qua app, chị H’Ph. L. đã vay lần lượt của các dịch vụ iDong, Vay mob, tDong, aDong, Vip vay, vDong, uVay, E vay, Vayvay (mỗi lần vay từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng để trả cho app trước). Đến khi app thứ 9 hướng dẫn đến đường link của app 10 thì chị H’Ph. L. không truy cập nữa. Ngay sau đó, nhiều đối tượng đã sử dụng các số điện thoại khác nhau nhắn tin, gọi điện cho chị để uy hiếp, dọa sẽ chặt tay, chân, giết cả gia đình... Theo thông báo, số tiền lãi và gốc chị H’Ph. L. vay đến ngày 20-10 đã lên đến trên 40 triệu đồng.

Chị H'Ph. L.Niê (ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) sử dụng smartphone vay tiền online qua app.
Chị H'Ph. L.Niê (ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) sử dụng smartphone vay tiền online qua app.

Những ngày này, chị H’K. Niê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cũng đang trong tâm trạng hoảng loạn khi liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ. Người thân trong danh bạ điện thoại chị cũng bị quấy rầy bởi những tin nhắn có nội dung xúc phạm. Không những vậy, hình ảnh chị H'K. bị gán cho tội “lừa đảo”, “đối tượng truy nã”... được gửi đến nhiều bạn bè của chị trên Facebook, Zalo.

Trước đó, vào tháng 8-2019, thông qua app, chị H’K. có vay online 1 triệu đồng. Khi chưa kịp trả thì lại được các app tiếp theo hướng dẫn cách vay đáo hạn. Chị vay từ 3-7 triệu đồng/lần, đến đầu tháng 10, do áp lực bị đòi nợ kiểu “xã hội đen”, chị phải vay mượn 50 triệu đồng của người thân để trả cho các app nhưng vẫn còn nợ số tiền hơn 40 triệu đồng.

Biến tướng của "tín dụng đen"

Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền “siêu hấp dẫn”. Lần theo các địa chỉ cho vay online, chúng tôi thử tải app vay tiền vDong về điện thoại để thực hiện các thao tác vay. Khi truy cập vào thì app này xuất hiện dòng chữ cam kết sẽ bảo đảm an toàn thông tin người dùng và yêu cầu cho phép truy cập vị trí theo định vị GPS của điện thoại. Sau khi người dùng cho phép truy cập vị trí thiết bị điện thoại và cung cấp số điện thoại, app đưa ra 4 khoản vay gồm: vay 1 triệu đồng trả trong 7 ngày; vay 5 triệu đồng trả trong 14 ngày; vay 8 triệu đồng trả trong 30 ngày và vay 20 triệu đồng trả trong 90 ngày.

Chúng tôi chọn vay mức 5 triệu đồng, app tiếp tục gửi tới điện thoại các bước thủ tục và yêu cầu người vay nhập thông tin cá nhân. Để người vay yên tâm, trên giao diện app hiện lên dòng chữ “Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác”. Theo từng bước, người vay nhập thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, số con, địa chỉ thường trú, chứng minh nhân dân… và cho phép dịch vụ này thực hiện quản lý cuộc gọi điện thoại, truy cập danh bạ điện thoại, Facebook cá nhân. Khi nhập đủ thông tin, app đưa ra ngay hạn mức được vay là 3 triệu đồng, thời hạn vay 14 ngày. Khi chúng tôi bấm nút đồng ý vay, app thông tin ngay tiền phí dịch vụ và lãi suất 400.000 đồng. Số tiền chúng tôi được nhận chỉ còn 2,6 triệu đồng. Toàn bộ các bước từ tải app đến khi được duyệt tiền chỉ mất khoảng 10 phút thao tác.

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, đây thực chất là thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới hình thức phí quản lý để lách các quy định của pháp luật về lãi suất cho vay. Vì vậy, khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức, cá nhân cho vay cùng các điều khoản trước khi đồng ý thực hiện giao dịch vay tiền. Những ai có nhu cầu vay tiền nên tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn các hình thức vay vốn an toàn, hợp pháp, trực tiếp qua hệ thống các ngân hàng; không vay tiền, tài sản khác của các nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” với các đặc điểm nhận diện như: vay không cần thế chấp, vay với lãi suất cao theo hình thức trả lãi ngày, người vay không được nhận đủ tiền vay do phải trả lãi tháng đầu hoặc các loại phí quản lý tại thời điểm vay...

Trường hợp người dân đã và đang tham gia hoạt động “tín dụng đen” cần tố giác với lực lượng công an, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ việc thu thập, củng cố chứng cứ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.