Multimedia Đọc Báo in

Dịch tả heo châu Phi chưa có dấu hiệu giảm

08:39, 02/10/2019

Dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Công tác ứng phó đang được các địa phương tăng cường thực hiện.

Số heo phải tiêu hủy chưa dừng lại

Từ đầu năm đến nay, huyện Krông Pắc có gần 2.300 con heo bị bệnh phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 111,8 tấn. Cụ thể, 861 con heo bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy với khối lượng gần 23,5 tấn do dịch lở mồm long móng tại 9 xã, thị trấn; 1.434 con heo bị tiêu hủy với khối lượng gần 88,4 tấn do dịch tả heo châu Phi tại 11 xã, thị trấn. Huyện đã trích kinh phí từ nguồn dự phòng của huyện mua 20.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 8 tấn vôi bột, 400 lít thuốc sát trùng; tỉnh hỗ trợ 2 tấn vôi, 16.000 liều vắc xin, 600 lít hóa chất để phòng, chống dịch. Tại xã Ea Kly, 25/32 thôn, buôn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. UBND xã cùng với ban tự quản các thôn, buôn đã tiến hành tiêu hủy 85 tấn lợn mắc bệnh.

Chôn lấp heo nhiễm bệnh tại xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).
Chôn lấp heo nhiễm bệnh tại xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).

Ở huyện vùng biên Ea Súp, trong 9 tháng qua, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt khoảng 44.340 con, giảm tới 20,35% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chính khiến ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn là do dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã buộc phải tổ chức tiêu hủy trên 9.500 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, xã Cư Êbur vừa phát hiện khoảng 10 con heo đã chết được bỏ trong bao tải vứt bừa bãi ở lề tuyến đường vành đai (đoạn qua thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Ngay khi tiếp nhận thông tin, trong chiều 30-9, xã đã cử đội tiến hành dọn dẹp, tiêu hủy những con heo chết theo quy định. Trước sự việc trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu, khi người dân phát hiện đàn heo có dấu hiệu nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ sở thú y gần nhất để lấy mẫu kiểm tra và tiêu hủy theo quy định. Không được tự ý mang heo đi bán hoặc vứt xác heo ra môi trường gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của những hộ dân khác. Được biết, trên địa bàn xã Cư Êbur có một hộ chăn nuôi heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi và đã được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn đàn với số lượng 64 con (1.470kg).

Là địa phương nằm giáp ranh với hai địa bàn đã xảy ra dịch tả heo châu Phi sớm của tỉnh là TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, nhưng nhờ chủ động ứng phó nên dịch bệnh xuất hiện khá muộn trên địa bàn Cư M’gar. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại 3 hộ chăn nuôi ở thôn Đoàn Kết, xã Ea M'droh vào ngày 6-7. Tuy nhiên dù đã nỗ lực khống chế, 2 tháng sau, huyện Cư M’gar vẫn liên tiếp xuất hiện các ổ dịch. Mới đây nhất, ngày 20-9, ổ dịch lại xuất hiện tại thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp.

Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 25 hộ dân của 7 xã, thị trấn trên địa bàn. Toàn huyện có 555 con heo phải tiêu hủy với tổng trọng lượng trên 40 tấn. Một số xã, thị trấn có số thôn, buôn, tổ dân phố xảy ra dịch bệnh nhiều như: thị trấn Quảng Phú có 3 tổ dân phố, với 4 hộ chăn nuôi có dịch; xã Cư M’gar có 4 thôn, buôn, với 9 hộ có dịch; xã Ea Kpam có 3 thôn, buôn, với 3 hộ có dịch…

Nguy cơ lây lan dịch rất cao

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để dập dịch như: tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột tại các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn... Trước mắt, để kiểm soát dịch bệnh và chống lây lan,  các hộ chăn nuôi được khuyến cáo thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn dịch; không giết mổ, tiêu thụ lợn dịch; không vứt bừa bãi lợn dịch ra môi trường; không cho lợn ăn những thức ăn dư thừa); phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi; cam kết thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định của cấp trên…

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh tại thị trấn Ea Pốk.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh tại thị trấn Ea Pốk.

Một số địa phương thiết lập các trạm kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm heo, các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện  ra, vào vùng dịch; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo. Đồng thời vận động người chăn nuôi tự túc tiêm phòng các bệnh khác như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn...

Tuy nhiên, nỗ lực ứng phó với dịch bệnh của ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, điều đáng lo ngại hơn cả là quy mô chăn nuôi của người dân phần lớn đều nhỏ lẻ, hầu hết ổ dịch xảy ra ở hộ chăn nuôi gia đình, nằm rải rác trong các khu dân cư. Đơn cử như tại huyện Cư M’gar, trong tổng số gần 30.000 con heo đang được nuôi trên địa bàn, ngoài 19 trang trại nuôi liên kết chuỗi, gia trại lớn (quy mô từ 80 đến 1.300 con) có hệ thống chuồng trại, điều kiện chăn nuôi tốt, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, có cách ly chăn nuôi an toàn thì các gia trại vừa và nhỏ, chăn nuôi nhỏ lẻ hệ thống chuồng trại chưa khép kín, không cách ly chăn nuôi, còn nằm trong khu dân cư, số lượng nuôi tự phát nhiều, việc phòng chống dịch và vệ sinh thú y không được được chú trọng đúng mức; cùng với đó là ý thức một bộ phận người dân chưa cao... khiến nguy cơ lây lan dịch rất cao.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar, thời gian gần đây, thông tin về giá heo hơi đang có chiều hướng tăng, người chăn nuôi tự ý tái đàn, trong khi đó, số heo giống mua về nhập đàn không rõ nguồn gốc. Thậm chí có hộ biết là số heo đang nằm trong vùng dịch nhưng do giá rẻ nên vẫn mua khiến dịch bệnh lây lan cho đàn heo khỏe mạnh.

Đỗ Thuận – Hường Hồng Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.