Multimedia Đọc Báo in

M'Đrắk vào vụ trồng rừng

09:20, 03/10/2019

Theo kế hoạch, năm 2019 huyện M’Đrắk sẽ triển khai trồng 1.445 ha rừng, tăng 145 ha so với Nghị quyết HĐND huyện; trong đó, các doanh nghiệp trồng khoảng 1.000 ha, người dân các xã và thị trấn trồng khoảng 445 ha.

Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng đã đề ra, ngành chức năng huyện đã vận động các chủ rừng tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khai thác và xử lý thực bì, đào hố, làm đất...; tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng rừng; phối hợp với các cơ sở sản xuất và kinh doanh cung cấp nguồn cây giống trồng rừng; vận động người dân và các chủ rừng lưu ý thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, tranh thủ trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm, không trồng những ngày nắng nóng kéo dài, có biện pháp kỹ thuật phù hợp trong việc chăm sóc, bảo vệ tốt cây giống trước khi đem trồng để đảm bảo rừng trồng có tỷ lệ sống cao, cây trồng sinh trưởng tốt... Tính đến ngày 27-9, huyện M’Đrắk đã trồng được trên 700 ha rừng, đạt gần 50% kế hoạch.

Ông Y Yơ Ksơr (ở buôn Phao, xã Cư Mta) mua cây giống về trồng rừng.
Ông Y Yơ Ksơr (ở buôn Phao, xã Cư Mta) mua cây giống về trồng rừng.

Xã Cư Króa là địa phương có diện tích rừng trồng lớn thứ hai của huyện với trên 2.100 ha. Những năm gần đây, nhờ trồng rừng mà đời sống nhiều người dân trong xã khấm khá lên nên bà con nông dân vẫn ưu tiên chọn trồng rừng để phát triển kinh tế. Năm 2019, toàn xã dự kiến sẽ trồng mới 230 ha rừng trên diện tích đã thu hoạch, trong đó: các doanh nghiệp trồng 130 ha, người dân trồng 100 ha.

Để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới, từ đầu tháng 7, xã Cư Króa đã tiến hành công tác phát dọn thực bì, làm cỏ, đào hố, chuẩn bị nguồn cây giống... Ngay khi xuất hiện vài cơn mưa từ giữa tháng 9, người dân đã huy động nhân lực, vật lực tập trung xuống giống trồng rừng mới. Đến nay, xã Cư Króa đã trồng đạt trên 100% kế hoạch.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk hiện có hơn 2.000 ha rừng trồng. Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết: Vụ này, đơn vị dự kiến trồng mới 100 ha rừng tại các xã Ea Trang, Krông Á... Để đảm bảo kế hoạch, đơn vị đã phân bổ nhân công xử lý thực bì, chuẩn bị vật tư, vận chuyển cây giống... Đến thời điểm này, đơn vị đã trồng được 50% diện tích, số còn lại đang gấp rút để trồng cho kịp thời vụ.

Xe vận chuyển cây giống tấp nập phục vụ nhu cầu cây giống tăng cao khi bước vào vụ trồng rừng mới 2019.
Xe vận chuyển cây giống tấp nập phục vụ nhu cầu cây giống tăng cao khi bước vào vụ trồng rừng mới 2019.

Cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người dân cũng nhộn nhịp bước vào vụ trồng rừng năm 2019. Những ngày này, gia đình ông Y Yơ Ksơr (ở buôn Phao, xã Cư Mta) tất bật phun thuốc trừ cỏ, đào hố, chuẩn bị phân bón, cây giống... Gia đình ông Y Yơ Ksơr có 2 ha đất trồng rừng, trong đó có 1 ha vừa thu hoạch đầu năm, nay được trồng mới. Do không có người đổi công nên ông và vợ con phải chia thành nhiều đợt xuống giống, mỗi đợt từ 2.200 – 5.000 cây giống.

Bước vào vụ trồng rừng, nhu cầu cây giống tăng cao khiến các cơ sở sản xuất cây keo giống hoạt động nhộn nhịp hơn. Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ một cơ sở cung cấp keo giống ở thôn 3 (xã Krông Jing) cho biết, nhu cầu mua cây keo giống tăng cao nên giá bán cũng thay đổi liên tục, từ 600 – 650 đồng/cây hồi giữa tháng 9 thì nay đã tăng lên 720 – 750 đồng/cây. Trong đó, cây keo giâm hom được người dân ưa chuộng nhờ phát triển nhanh, nếu chăm sóc tốt thì khoảng 4 năm đã có thể thu hoạch.

Huyện M’Đrắk có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh với 13.864 ha, trong đó: diện tích rừng trồng trong dân 6.095 ha, rừng trồng của các doanh nghiệp 7.769 ha. Năm 2018, khối lượng gỗ rừng trồng khai thác trên 300.000 m3.

 

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.